Trả lời cho web Công An về mồ mả người Chăm Print
Written by BBT Champaka.info   
Tuesday, 03 April 2012 01:41
mai sen
Mai Sên

Vào tháng 1 năm 2012, Web Công An Tp.HCM có đăng bài viết của Gia Huy và Ngọc Quảng mang tựa đề: “Sự thật về chiến tranh đào mồ mả ở Bình Thuận” nhằm lên án tổ chức Champaka về tội chống phá nhà nước Việt Nam nhưng hai tác giả này không đưa ra những yếu tố cụ thể nào để chứng minh cho lời nói của mình.

 

 

Ai cũng biết, năm 2010 chính quyền Bình Thuận có dự án xây dựng đường xá đi ngang nghĩa địa bà con Chăm Bani nằm trong thị trấn Lạc Tánh, Huyện Tấn Linh, tỉnh Bình Thuận. Trước khi thực hiện dự án, ông Đoàn Văn Sáu là Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận đã đồng ý theo dự án xây dựng công trình đường giao thông nhưng phải cách khu vực nghĩa trang và Ông đã đồng ý cho bà con Chăm nơi đó xây dựng tường rào xung quanh để bảo vệ nghĩa trang. Vì hoàn cảnh nghèo đói nên bà con người Chăm chưa kịp gom góp tiền để xây dựng tường rào để bảo vệ nghĩa trang, thì công trình xây dựng mở rộng đường giao thông ĐT 720 đã tiến hành, đồng thời ông Đoàn Văn Sáu đã nghỉ việc về hưu trí, sau đó ông Mai Sên là một người gốc Chăm lên thay thế.

 

Ông Mai Sên là người Chăm nhưng không biết nhiều về phong tục tập quán của dân tộc Chăm. Thêm vào đó, ông còn có bản chất háo danh lạm quyền, không ngần ngại lên tiếng cam kết với chính quyền tỉnh Bình Thuận rằng ông sẽ bảo đảm việc thuyết phục các vị chức sắc địa phương đồng thuận dời mồ mả của họ để công trình xây dựng đường xuyên qua khu nghĩa trang sẽ không gặp sự kháng cự của nhân dân. Ông Mai Sên còn viện dẫn lý do rằng mồ mả của bà con Chăm nằm trong khu vực thị trấn nên rất nhiều rác rưởi và mất vệ sinh cần phải di dời nơi khác khang trang hơn mà Ông ta không cần biết việc di dời mồ mả của người Chăm là việc cấm kỵ trong phong tục tập quán. Bằng chứng cụ thể, các vị chức sắc cùng nhân dân đồng tình lên tiếng phản đối dự án di dời mồ mả, vì đây là việc làm phạm giới đi ngược với tập tục tôn giáo của người Chăm. Từ đó, ông Mai Sên đưa ra kế hoạch thuyết phục một nhóm người thân cận ủng hộ mình đủ mạnh để gây áp lực chống lại sự phản đối của nhân dân về việc di dời mồ mả. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, ông Mai Sên tiếp tục gây sức ép lên bà con Chăm bằng nhiều hình thức, từ việc bắt ký giấy tờ, hình thức cho tiền ủng hộ người nghèo rồi đưa hồ sơ chuyển sang hồ sơ đồng ý di dời mồ mả; một số hồ sơ xin đi học nội trú hay thuộc dạng ưu tiên đi học của con em gia đình phản đối việc di dời mồ mả đều bị loại mà không rõ lý do; nương rẫy bà con Chăm lúc này bị tàn phá nặng nề mà không rõ đối tượng là ai mặc dù đại diện một số cơ quan chức năng liên quan có quan tâm thăm hỏi việc nương rẫy bị tàn phá nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Sự việc còn tiếp tục nặng nề hơn là một nhóm người có chủ ý phá hoại tài sản của nhân dân bằng cách kéo nhau cắt điện lưới của Làng, rồi ném đá và đập phá gần 07 căn nhà của bà con vào ban đêm, trong đó nhà ông Gru (Vị sư Cả phản đối dự án di dời mồ mả) là thiệt hại nặng nề nhất. Biến cố này càng gây thêm sự phẫn uất, căng thẳng không chỉ những bà con Chăm ở thị trấn Lạc Tánh mà còn gây bất bình cho bà con Chăm ở tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Đặc biệt các giới trí thức Chăm và các Sư cả ở các vùng plei Chăm đều bàn tán về việc dùng quyền lực gây sức ép can thiệp mạnh làm ảnh hưởng xấu đến nội bộ hội đồng Sư cả, đến phong tục tập quán Chăm. Sự kiện này cho thấy rõ hiện nay đang có sự bất bình sâu sắc giữa cộng đồng người Chăm và chính quyền Bình Thuận đúng hơn là với riêng cá nhân ông Mai Sên.

 

Để bảo vệ cho ông Mai Sên và chính quyền tỉnh Bình Thuận, ông Gia Huy và Ngọc Quảng là hai cây bút của báo Công An Tp.HCM đăng một bài bình luận trên trang Web của tổ chức này mang tựa đề: "Chiến tranh đào mồ mả ở tỉnh Bình Thuận”.

 

“Đao to búa lớn”

  

1). Trong bài viết, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

Trên trang web Champaka của tổ chức Văn phòng Chămpa quốc tế-IOC ở nước ngoài gần đây có đăng hai bài viết: “Chiến tranh đào mồ mả người Chăm vẫn còn tiếp diễn” của Musa Porome và “Chính quyền Bình Thuận đào mồ mả của tổ tiên người Chăm?” của Ban biên tập Champaka.

 

Gia Huy và Ngọc Quảng đừng quên rằng Web Champaka không phải là mạng web của tổ chức IOC mà là cơ quan ngôn luận độc lập có trụ sở tại Pháp. Là phóng viên của báo Công An, tại sao hai tác giả này không nắm vững tin tức về tổ chức người Chăm tại hải ngoại?

 

2). Trong bài viết, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

Hai bài viết trên dùng lời lẽ “đao to búa lớn” để kết tội nặng nề chính quyền và các cơ quan chức năng ở tỉnh Bình Thuận  đã “làm ác” với một nghĩa địa người Chăm Bà Ni (người Chăm theo đạo Hồi) ở thị trấn Lạc Tánh, Tánh Linh, Bình Thuận. Chúng tôi đã đến tận nơi, tiếp xúc với nhiều vị chức sắc tôn giáo người Chăm, đều được họ khẳng định những gì Champaka nêu là hoàn toàn vu khống, bịa đặt! ...

 

Musa và BBT Champaka không vu khống hay bịa đặt ra biến cố này mà là tường trình lại nguyện vọng của đa số bà con Chăm không muốn di dời mồ mả tổ tiên của họ mà thôi.

 

3). Trong bài viết, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

Dự án nâng cấp mở rộng đường giao thông DT 720 ... là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng tại tỉnh Bình Thuận... Nhưng 2 thị trấn Lạc Tánh còn vứơng tại khu vực nghĩa địa Chăm Ba Ni. UBND Huyện Tánh Linh đã phối hợp cùng các ban ngành,... khu phố Chăm và các vị chức sắc khu phố Chăm, hội đồng Sư Cả tỉnh Bình Thuận, bằng nhiều hình thức các cuộc họp nhằm tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương...

 

Không ai phủ nhận dự án phát triển dân sinh của nhà nước Việt Nam dành cho dân tộc Chăm. Tiếc rằng công trình phát triển dân sinh có nội dung buộc dân Chăm phải quật mồ mả của họ dời đi nơi khác là việc làm không thể chấp nhận được, hoàn toàn trái ngược với thuần phong mỹ tục của một dân tộc đã mất nước nay lại phải mất đi mồ mả tổ tiên nơi an nghỉ của thành viên trong thị tộc của họ. Chính đó là nguyên nhân buộc các vị chức sắc và sư cả người Chăm đứng lên phản đối và cuộc đấu tranh của họ không có sự bày mưu của ông Musa hay BBT-Champaka. Bài viết của Musa và BBT Champaka chỉ có mục tiêu yêu cầu nhà nước VN cứu xét nguyện vọng của người dân, chứ không đưa ra những luận điệu "đao to búa lớn" như hai tác giả xuyên tạc trong bài viết.

 

4). Trong bài viết, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

 “Khi công việc đang tiến hành trôi chảy thì những kẻ chống đối bắt đầu ra mặt… cuộc họp đã thống nhất về phương án di dời mồ mả. Thế nhưng đến lúc ký biên bản, hai ông Sư Cả Thông Dật và Mum 40 Thông Thương không ký bỏ về.... còn xúi giục, lôi kéo một số bà con khu phố Chăm đến khu nghĩa địa... "

 

Theo chúng tôi, việc di dời nghĩa trang không phù hợp với tập tục và tín ngưỡng của người Chăm, nên họ không ký vào biên bản chứ không phải họ bị kích động từ bên ngoài. Tác giả còn nêu ra rằng trong đó chỉ có 3 hộ đồng ý di dời mộ, thế thì còn hàng trăm hộ khác thì sao?

 

hai phong vien ca
2 phóng viên báo Công An và chức sắc Chăm

 

Kẻ đứng sau Champaka

(ám chỉ Ts. Po Dharma)

 

5). Trong phần mục “kẻ đứng sau Champaka”, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

“Có thể nói quan điểm của Champaka cũng là quan điểm của Po Dharma - người sáng lập và điều hành trang web này. Đây cũng là người có khá nhiều “thành tích” chống phá đất nước. Po Dharma có tên thường gọi là Quảng Đại Đủ, tên khác là Thu Đương, Du Văn Quang, SN 1944 tại thôn Chất Thường, xã Phước Hậu - Ninh Phước - Ninh Thuận”

 

Gia Huy và Ngọc Quảng là hai cây bút của báo Công An nhưng không nắm vững tin tức về Po Dharma. Ông tên thật là Quảng Văn Đủ chứ không phải là Quảng Đại Đủ hay Thu Đương, Du Văn Quang. Ông ta sinh năm 1948 chứ không phải 1944.

 

6). Trong bài viết, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

“Năm 1967, Quảng Đại Đủ gia nhập Fulro, hoạt động ở Tây nguyên. Năm 1969, Fulro bị chính quyền Sài Gòn đàn áp, Quảng Đại Đủ chạy sang Campuchia (CPC) theo Leskossem (một sĩ quan cao cấp CPC gốc Chăm mang tư tưởng dân tộc cực đoan, sau này là một trong những kẻ cầm đầu Fulro) gia nhập đảng Khăn trắng; năm 1970 được phong hàm thiếu tá, giữ chức vụ tham mưu trưởng trung ương Fulro; năm 1972 bị thương, đưa về Sài Gòn điều trị tại các bệnh viện của Mỹ, sau đó được Leskossem đưa sang Pháp đào tạo. Năm 1976, Leskossem chết, Quảng Đại Đủ tiếp tục được linh mục Moussay đỡ đầu nhập quốc tịch Pháp - lấy vợ người Pháp. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ sử học và thạc sĩ dân tộc học, Quảng Đại Đủ được Đại học Sorbonne phong học hàm phó giáo sư và được chính phủ Pháp cử làm đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Malaysia (EFEO).

 

Đây cũng là thể loại văn chương suy đoán, vì lý do sau đây:

 

Po Dharma gia nhập Fulro vào năm 1968 chứ không phải năm 1967. Nhà lãnh tụ Fulro tên là Les Kosem chứ không phải Leskossem. Po Dharma không liên hệ gì với đảng Khăn Trắng của Kampuchia Krom. Năm 1970 ông được phong hàm chức Đại Úy chứ không phải Thiếu Tá. Po Dharma bị thương trên chiến trường vào năm 1970 chứ không phải 1972. Po Dharma nhập quốc tịch Pháp không liên hệ gì với Linh Mục G. Mousay. Sau khi tốt nghiệp bằng tiến sĩ của đại học Sorbonne, ông được phong hàm Phó Giáo Sư tại Viện Viễn Đông Pháp chứ không phải tại đại học Sorbonne.

 

7). Trong bài viết, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

Trong thời gian cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng; các phong trào li khai, tự trị, xung đột sắc tộc, tôn giáo xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Quảng Đại Đủ được sự hỗ trợ của một số thế lực thù địch ở Pháp, Mỹ liên kết với một số đối tượng cầm đầu, cốt cán trong cộng đồng người Chăm lưu vong thành lập tổ chức International office of Champa (Liên minh Champa hải ngoại, viết tắt là IOC - Champa). Tổ chức này nhằm mục đích tập hợp cộng đồng người Chăm ở nước ngoài, hoạt động đòi phục hồi vương quốc Champa.

 

Đọc qua đoạn này, độc giả đánh giá ngay Gia Huy và Ngọc Quảng chỉ là ngòi bút của báo Công An bịa ra yếu tố để khủng bố người khác mà thôi. Vì rằng cho đến hôm nay không có thế lực thù địch nào ở Pháp, Mỹ giúp đỡ tổ chức IOC-Champa để đòi phục hồi vương quốc Champa. Và hoạt động của IOC-Champa gần hơn 20 năm qua không bao giờ nói đến chủ trương phục hưng Champa hay giải phóng quốc gia này.

 

8). Trong bài viết, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

“Để xâm nhập về Việt Nam (VN), Quảng Đại Đủ đã sử dụng vỏ bọc đại diện EFEO liên kết nghiên cứu, đào tạo với một số cơ quan khoa học xã hội của VN. Từ 1991-1995, Quảng Đại Đủ đã 7 lần nhập cảnh vào VN, gặp gỡ tiếp xúc với nhiều cán bộ lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và quản lý khoa học xã hội VN”.

 

Đây cũng là thể loại văn chương vu khống. Po Dharma không xâm nhập Việt Nam với vỏ bọc của EFEO mà là sang Việt Nam một cách chính thức để thực hiện công tác khoa học. Mỗi lần sang Việt Nam đều có giấy phép của Bộ Nội Vụ và được cơ quan này tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ công tác. Có chăng Bộ Nội Vụ Việt Nam là cơ quan quá ngu xuẩn đứng ra giúp đỡ những người xâm nhập vào Việt Nam nhằm chống đối Đảng và Nhà Nước Việt Nam!?

 

9). Trong bài viết, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

Trong các hoạt động như vậy, Quảng Đại Đủ luôn hứa hẹn về những sự tài trợ, giúp đỡ (như tuyên bố sẽ tìm nguồn tài trợ xây dựng bảo tàng Chăm Ninh Thuận; tài trợ máy vi tính, thiết bị sao chụp tài liệu cho ban biên soạn chữ Chăm). Nhưng tất cả chỉ là lời hứa suông, không bao giờ thực hiện.

 

Đây cũng là phong cách vu khống người khác.

Việc giúp đỡ Trung Tâm Văn Hóa Chăm tại Phan Rang là hợp đồng chính thức ký kết giữa Gs. D. Lombard (Giám Đốc Viện Viễn Đông Pháp) và ông Hải Liên (Giám Đốc Sở Văn Hóa Ninh Thuận) nhằm bảo tồn sách Chăm cổ chứ không phải xây dựng bảo tàng Chăm ở Phan Rang. Kế hoạch dự án thực hiện trong 3 năm và Po Dharma chỉ là người đem ngân sách viện trợ của Pháp đến Phan Rang để giao cho ông Hải Liên mà thôi.

 

Sau một năm triển khai dự án, ông Hải Liên đã sử dụng hết tiền viện trợ nhưng không mang lại kết quả gì. Chính vì thế mà Viện Viễn Đông không muốn tài trợ nữa chứ không liên quan gì với "lời hứa suông" của Po Dharma. Người đã ăn tiền và không thực hiện lời hứa là ông Hải Liên chứ không phải Po Dharma.

 

10). Trong bài viết, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

Qua các hoạt động rình rang đó, Quảng Đại Đủ đã phô trương thanh thế trong quá trình xâm nhập vùng đồng bào dân tộc Chăm; đã tạo được uy tín cá nhân trong một số trí thức, sinh viên, học sinh Chăm. Từ đó một số người đã ngưỡng mộ và nuôi hy vọng đối với những hoạt động của Quảng Đại Đủ cho dân tộc Chăm. Thấy điều kiện đã chín muồi, Quảng Đại Đủ chỉ đạo tổ chức IOC - Champa triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền lịch sử Champa và vương quốc Champa, thực hiện ý đồ liên kết các nhóm người Chăm và nhóm các sắc tộc Tây nguyên đang sống lưu vong, số Fulro cũ đang sống trong nước tham gia vào IOC - Champa; kêu gọi sự ủng hộ quốc tế đòi phục quốc  Champa.

 

Đây chỉ là thể loại văn chương thù hằn nhằm khủng bố trí thức Chăm.

IOC-Champa là tổ chức có mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa Champa. Chính vì thế tổ chức này có quyền phổ biến lịch sử Champa trong mọi giới độc giả trên thế giới. Thế thì đâu là hành động tội phạm của IOC-Champa trong vấn đề này. Nếu chúng tôi không lầm Đảng và Nhà Nước Việt Nam lúc nào cũng chủ trương tôn trọng di sản lịch sử và văn hóa của dân tộc ít người tại Việt Nam hôm nay. Có chăng Gia Huy và Ngọc Quảng không đọc chủ trương của Đảng để rồi cho rằng dân tộc Chăm là tập thể vong quốc không có quyền biết đến lịch sử của họ?

 

11). Trong bài viết, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

IOC - Champa đã biên soạn, phát tán một số tập san như: Champaka, Harak Champaka, Anakhan Champa và nhiều tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước VN.

 

Đây cũng là thể loại văn chương chụp mũ. Trong tất cả bài viết đăng trong Champaka không có bài nào có nội dung “tuyên truyền, xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam”.

 

12). Trong bài viết, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

Ngày 7-7-2007, Quảng Đại Đủ đã tổ chức đại hội Champa tại Mỹ “kỷ niệm 175 năm ngày Champa mất nước 1832-2007”, kỷ niệm 20 năm thành lập IOC - Champa 25-12-1988 - 25-12-2008.

 

Đây là nguồn tin hoàn toàn bịa đặt. Po Dharma không phải là người tổ chức những đại hội này mà là Hội Đồng Phát Triển Văn Hóa Xã Hội Champa và IOC-Champa.

IOC-Champa là tổ chức đấu tranh nhằm bảo tồn di sản văn hóa Champa. Chính vì thế, IOC có quyền tổ chức đại hội để kỷ niệm 175 Champa bị xóa bỏ trên bản đồ. Đây là sự thật của lịch sử chứ không phải IOC chế biến ngày vong quốc của Champa.

 

13). Trong bài viết, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

Ngoài ra, Quảng Đại Đủ còn liên kết với một số tổ chức người Việt phản động lưu vong như “Đảng vì dân”, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống VN với những luận điệu vu khống như: “xây dựng lò phản ứng hạt nhân trên đất người Chăm là âm mưu hủy diệt dân tộc Chăm”, “thành lập ban biên soạn chữ viết Chăm là muốn làm cho chữ viết Chăm bị thoái hóa”...

 

Champaka là cơ quan ngôn luận có mục tiêu phân tích, bình luận hay phản đối những biến cố đã xảy ra có thể làm tổn thương đến danh dự và quyền lợi của dân tộc Chăm. Chính vì thế, tổ chức Champaka có quyền cho biết quan điểm về lò hạt nhân tại khu vực của người Chăm, có quyền phản đối Ban Biên Soạn đã tự tiện sửa đổi ngôn ngữ chữ viết Chăm thành chữ viết lai căng không phù hợp với chữ viết Chăm đã truyền lại từ thời Po Rome.

Champaka là tổ chức độc lập không liên quan gì với Đảng Vì Dân như Gia Huy và Ngọc Quảng đã nêu ra.

 

14). Trong bài viết, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

Khi chính quyền địa phương vận động di dời khu nghĩa địa Chăm cũ ở thị trấn Lạc Tánh -  Tánh Linh, nhiều hộ bà con Chăm đã đồng tình tiến hành bốc cốt, di dời đến nghĩa trang mới. Quảng Đại Đủ đã vội cho đăng trên trang web Champaka những bài viết có tính chất kích động, xúi giục, cản trở. Ông ta mong thổi phồng, xuyên tạc, lợi dụng sự việc này để đánh bóng uy tín cá nhân và tổ chức; phá hoại các chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc Chăm.

 

Đây cũng là thể loại văn chương chụp mũ nhằm kết tội cho một cá nhân mà không có căn cứ. Champaka là một cơ quan ngôn luận có nhiệm vụ thông tin cho độc giả biết những sự thật của biến cố này và nêu ra những nguyện vọng thiết thực của bà con Chăm là không muốn chính quyền Bình Thuận dùng quyền lực để đào bới và di dời mồ mả người Chăm.

 

15). Trong bài viết, Gia Huy và Ngọc Quảng cho rằng:

Sáng 23-12-2011, chúng tôi tiếp xúc với ông Mai Sên (người Chăm), Trưởng ban dân tộc tỉnh Bình Thuận. Ông tỏ ra rất bức xúc: “Những gì Champaka đăng là không đúng sự thật, là xuyên tạc, vu khống vì không nắm được vấn đề, sự việc. Tôi là người Chăm theo đạo Bà Ni (đạo Hồi), tôi thấy khu nghĩa địa Chăm ở thị trấn Lạc Tánh rất đau lòng. Chung quanh là rác, vào mùa mưa nước từ trên núi đổ xuống, cây cối mọc đâm rễ vào các mộ, đào xuống là thấy nước... Khi chính quyền địa phương có chủ trương hỗ trợ chi phí di dời mộ cho bà con, tôi cho là rất tốt. Vấn đề này đã được đưa ra Hội đồng Sư cả bàn bạc, cả hội đồng lên tham quan khu nghĩa trang mới và đều đồng tình. Trước khi bốc mộ, người ta làm lễ, đọc kinh đàng hoàng. Vậy mà Champaka lại vu khống là “chính quyền bốc lén mộ người Chăm”.

Trước mặt chúng tôi, Sư cả Thông Dật và Mum 40 Thông Thương đều ủng hộ việc cất bốc mộ. Sau đó bị giật dây nên quay sang phản ứng, dùng quyền lực tôn giáo để ép dân không nhận tiền hỗ trợ. Ngày đầu bốc thành công mấy chục mộ, sau đó bị phá rối nên việc bốc mộ phải dừng lại. Đã vậy, ở ngoài có người móc nối vào kích động làm đơn kiện khắp nơi rồi cung cấp thông tin sai lệch cho Champaka viết bài. Tôi biết qua vụ này họ muốn xuyên tạc, làm um sùm để cái chính là nhằm phá dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận sau này. Tôi xin nhắc lại, trong vụ việc di dời mồ mả ở nghĩa địa khu phố Chăm - thị trấn Lạc Tánh, là đồng bào Chăm tự nguyện di dời vì mục đích chung. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như chính quyền cơ sở không có chủ trương cưỡng chế di dời, chỉ hỗ trợ cho bà con tự di dời mộ...”.

 

Lời tuyên bố của Mai Sên, Trưởng ban dân tộc tỉnh Bình Thuận là không đúng sự thật trong vấn đề di dời mồ mả ở trên. Theo tục lệ người Chăm, việc thành lập khu mồ mả mới và việc bốc mồ mả phải được Sư cả chính làng đó thông qua. Việc can thiệp tùy tiện đưa người ngoài làm thủ tục đọc kinh chọn khu mộ mới cũng như việc bốc mồ mả là trái với tập tục trong đạo giáo Bani. Đây cũng chính là nguyên nhân mà bà con Chăm phải làm chòi canh giữ mồ mả tổ tiên của họ ngày đêm vì sợ bị "bốc lén" lúc nào không biết.

Người Chăm không bao giờ di dời mồ mả tổ tiên của họ dù bất cứ hoàn cảnh nào, đây là lý do mà họ đã phản ứng gay gắt khi mồ mả tổ tiên của họ bị dời đi nơi khác. Cho dù đó là chủ trương của chính quyền Bình Thuận hay Nhà nước Việt Nam.

Phản ứng của họ là phản ứng tự nhiên mang tính cách tín ngưỡng nhằm thông tin cho chính quyền biết là họ không đồng ý với quan điểm của chính quyền Bình Thuận về quyết định dời mồ mả của họ chứ không phải do sự xúi giục của tổ chức Champaka.

 

Kết luận:

Sau 9 thế kỷ chiến tranh tương tàn nhằm chống lại cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt, lịch sử chỉ để lại cho hậu thế hôm nay một cộng đồng người Chăm chưa đầy 100 ngàn người sống chui nhủi và nghèo đói trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Đó là số phận hẩm hiu của một tập thể tộc người mất nước mà dân tộc Chăm sẵn sàng chấp nhận, nhưng họ không bao giờ chấp nhận chính quyền Bình Thuận dùng quyền lực để tàn phá thêm mồ mả tổ tiên của họ nữa.

 

Nghĩa trang của người Chăm Bani tại thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận là quần thể tín ngưỡng có mặt tại đây kể từ hàng thế kỷ, trong khi đó chưa có bóng dáng dân tộc Kinh vào định cư trong khu vực này. Theo phong tục tập quán của dân tộc Chăm Bani, nghĩa trang là nơi an nghĩ của những người quá cố cùng chung một gia đình mẫu hệ. Chính vì thế nghĩa trang trở thành địa danh thiêng liêng mà không ai có quyền dời đi nơi khác. Mọi sự quyết định di dời nghĩa trang của người Chăm Bani vì lí do chính trị, kinh tế hay môi trường nhân sinh, v.v. đều xem như là hành động đào mồ mả của người Chăm. Chính đó là nguyên nhân chính yếu buộc bà con Chăm phải lên tiếng với bất cứ giá nào nhằm yêu cầu chính quyền Bình Thuận phải cứu xét lại quyết định này.

 

Champaka không phải là trung tâm chống Đảng và Nhà Nước Việt Nam như Gia Huy và Ngọc Quảng đã hiểu lầm mà là cơ quan ngôn luận độc lập có nghĩa vụ phân tích một cách khách quan những biến cố đã xảy ra nhằm giúp Đảng và Nhà Nước Việt Nam nắm vững một số yếu tố liên quan đến bản sắc tín ngưỡng của người Chăm nhằm đưa ra những giải pháp thực tiễn hơn trong dự án dời mồ mả tổ tiên của dân tộc này. Thay vì cám ơn tổ chức Champaka đã đưa ra những tin tức sự thật về nghĩa trang của người Chăm, Gia Huy và Ngọc Quảng tức là hai cây bút của báo Công An Tp.HCM lại viết bài khủng bố tổ chức Champaka và Musa Porome. Chính đó là nguyên nhân mà chúng tôi phải trả lời cho bài viết này.

 

ramawan
 Nghĩa trang là nơi linh thiêng của người Chăm.Tại sao phải đào mồ mả của họ? 

 

 

Bài liên quan :

Chiến tranh đào mồ mả người Chăm vẫn còn tiếp diễn
Chính quyền Bình Thuận đào mồ mả tổ tiên người Chăm ?