Dân làm báo: VN đàn áp mùa chay niệm của người Chăm Bani Print
Written by Glang Anak   
Monday, 14 July 2014 07:03
ramawan 14-10

Lời Ban Biên Tập: Ramawan là mùa chay niệm, tức là lễ tục thiêng liêng nhất của người Chăm Bani nói riêng và của người Hồi Giáo trên thế giới nói chung. Tiếc rằng chính quyền Bình Thuận đưa ra quyết định niêm phong thánh đường Tánh Linh để rồi các tu sĩ Chăm không còn cách nào thực hiện mùa chay niệm của họ. Đây là chính sách đàn áp tôn giáo một cách trấn trợn mà dân tộc Chăm không thể nào chấp nhận. Chính đó là nguyên nhân bài viết của Glang Anak đăng trên web Dân Làm Báo ngày 13-7-2014 mà chúng tôi xin tóm tắc lại sau đây:

 

Bình Thuận đóng cửa Thánh Đường Chăm Bani

trong tháng Ramadan với mục đích gì?

 

1. Thánh đường Palei Bicam, huyện Tánh Linh, Bình Thuận bị đóng cửa trong tháng Ramadan

 

Với người Chăm Bani ở Việt Nam, tháng chay Ramadan là thời gian quan trọng nhất, thiêng liêng và nhiều ý nghĩa. Các chức sắc và tín đồ tiến hành các nghi lễ cầu nguyện đặc biệt ở thánh đường, tịnh chay và dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất. Trong tháng Ramadan, các tu sỹ phải tu ở thánh đường, không được về nhà và chỉ được ăn những lễ vật dâng cúng.

 

Thật trớ trêu thay, Hội đồng sư cả và chính quyền Bình Thuận đã ra quyết định đóng cửa Thánh đường palei Bicam, huyện Tánh Linh, Bình Thuận trong tháng Ramadan 2014 gây hoang mang và nhiều bức xúc trong cộng đồng.

 

ramawan-14-20-2
Cầu nguyện tại thánh đường

 

Thánh đường bị đóng cửa trong tháng Ramadan là một hiện tượng bất thường chưa từng xảy ra trong xã hội Chăm và điều này đã gây nên sự bức xúc dữ dội trong dân chúng và làm xáo trộn nghiêm trọng đời sống tâm linh, tín ngưỡng ở một làng quê người Chăm. Các chức sắc và tu sĩ không có nơi để gặp gỡ và thực hiện các nghi lễ tôn giáo, họ buộc phải ở nhà tu niệm - điều mà cấm kỵ trong tháng Ramadan dành cho các tu sĩ và chức sắc; từ đây những bức xúc và mâu thuẫn nội bộ trong các chức sắc và tu sĩ ngày càng tăng. Còn các tín đồ, dân chúng thì không biết mang các lễ vật dâng cúng đi đâu để thực hiện tín ngưỡng và tâm nguyện của mình. Đời sống tâm linh, tín ngưỡng của làng quê bị đảo lộn, một không khí nặng nề bao trùm lên từng ngôi nhà, những bức xúc và tức giận nhanh chóng lan tỏa còn dư luận thì xôn xao với nhiều tin đồn khác nhau.

 

2. Nguyên nhân

 

Tìm hiểu nguyên nhân gây ra vụ việc xâm phạm nghiêm trọng đến những lễ nghi tôn giáo của người Chăm Bani cũng như quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo người dân nói trên, chúng tôi được biết nguyên nhân sâu xa của vụ việc này là do Sư cả (Po Gru) ở Tánh Linh kiên quyết không đồng ý yêu cầu việc di dời mồ mả người Chăm vào năm 2011 cho một dự án của chính quyền. Vì theo luật tục và tín ngưỡng Chăm, mồ mả tổ tiên không được phép di dời.

 

Sau vụ việc này, nhà của Sư Cả Po Gru và một số ngôi nhà khác đã bị kẻ xấu dã tâm ném đá, phá hoại vào ban đêm trong lúc bị cúp điện; nương rẫy của những hộ dân không đồng ý di dời mồ mả cũng bị kẻ xấu tàn phá mùa màng; con cái họ cũng bị gây khó khăn trong học hành; Chính quyền không cho Sư Cả (Po Gru) làm lễ Gahul Biruw (nghĩa trang mới) cho bà con palei Bicam như quy định mà mời người ngoài làm lễ tục, điều này đã gây bức xúc dữ dội.

 

Đáng nói là có 3 tu sĩ người Chăm vì quyền lợi trước mắt mà không giữ gìn luật tục, đồng ý di dời mồ mả để nhận một khoản… một lợi ích khác từ chính quyền. Cụ thể là nhóm Imam Thai, Imam Ninh, và Imam Thanh. Từ đó, xung đột và mâu thuẫn trong nội bộ xảy ra và đỉnh điểm là vụ việc đánh nhau trên nghĩa địa trong lúc di dời mồ mả và đánh nhau đổ máu dẫn đến đóng cửa Thánh đường trong ngày lễ hội (Suk Nagar palei Bicam).

 

Hội đồng sư cả Bình Thuận được chính quyền thành lập nhiệm kỳ 1 từ năm 2012, trực thuộc sự quản lý của Sở Nội vụ Bình Thuận, thay vì giải quyết mọi mâu thuẫn trên để đem lại sự đoàn kết và phát triển chung thì hội đồng này lại hành xử như sau:

 

Không cho Sư cả (Po Gru Palei Bicam) làm lễ tẩy rữa, tẩy uế (ngak That, ngak Thaw Bah) theo lễ tục cho 3 tu sĩ Imam Thai, Imam Ninh, và Imam Thanh.

 

Po Gru bị phạt bắt làm “Ngak Thaw Bah” vì để xảy ra nhiều việc không tốt như đã nêu trên.

 

Trước hành xử này, các chức sắc và tu sĩ đã phản ứng dữ dội. Họ cho rằng nguyên nhân xảy ra các vụ việc không phải do sư cả Po Gru mà do những kẻ xấu phá hoại. Sư cả Po Gru đã làm tốt chức trách của mình để bảo vệ luật tục và giữ gìn bản sắc tôn giáo, văn hóa Chăm. 

 

Lấy lý do Sư cả Po Gru không làm lễ “Ngak Thaw Bah” nên Hội đồng sư cả, Ban dân tộc và Sở Nội vụ tỉnh đóng cửa Thánh đường palei Bicam trong tháng Ramadan 2014.

 

3. Ý kiến của người dân

 

Xoay quanh vụ việc đóng cửa Thánh đường palei Bicam trong tháng Ramadan 2014, nhiều ý kiến đã nói lên những bức xúc dồn nén lâu nay của người Chăm bản địa vốn đã chịu nhiều tổn thương. 

 

Andy Kiều đã có bài viết Dân oan: Thánh đường Chăm Bani bị niêm phong trong mùa Ramawan. Tác giả nói: “Vấn đề ở đây, tôi không nói ai đúng ai sai. Sai hay đúng là do cá nhân tự phán xét. Thiết thực ở đây, tôi chỉ mong thánh đường Chăm Bani không thể đóng cửa trong mùa Ramawan, vì bất cứ một lý do nào.” Và “Rất mong, những người am hiểu về tôn giáo, những trí thức, bạn trẻ... hãy cùng nhau nới rộng vòng tay thân yêu của mình, tìm giải pháp đích thực, để thánh đường mở cửa hoạt động trở lại. Nếu chuyện này kéo dài, sẽ còn có những hậu quả khó có thể lường trước được.

 

Ja Karo (độc giả trang thông tin champaka.info có bài viết: Từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến Hội đồng chức sắc Chăm đã cho rằng Chính quyền can thiệp quá sâu và dùng Hội đồng sư cả như một bàn tay quyền lực để chia rẽ và phá hoại tôn giáo Chăm như họ đã từng làm với giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất. Tác giả cũng tha thiết kêu gọi “Người Chăm trong và ngoài nước hãy cùng nhau hướng về một palei Bicam (Bình Thuận) thân yêu, nhằm chia sẽ thông tin, giúp đỡ cộng đồng đang gặp khó khăn. Tìm cách giải quyết vụ việc để mùa Ramadan năm nay palei Bicam được mở cửa Thánh đường đón ông bà tổ tiên.”

 

ramawan-14-20-3
Lễ tảo mộ tại nghĩa địa (Gahul)

 

Một số người dân (xin giấu tên) cho rằng: chính quyền và những người làm dự án đã trả thù môt cách hèn mọn với Sư cả Po Gru nhưng họ không biết rằng họ đã làm tổn thương, gây tức giận cho người hồi giáo Cham Bani và trong cộng đồng người Chăm cũng như 

 

…Chính quyền muốn thay thế những người sẵn sàng đấu tranh để bảo tồn văn hóa và luật tục Chăm như sư cả Po Gru palei Bicam bằng những người “tay sai” để dễ dàng đồng hóa người Chăm, xóa đi tín ngưỡng luật tục người Chăm từ bao đời với lý do là luật tục Chăm cổ hũ và lạc hậu.

 

…Môt việc làm thất nhân thất đức; Trời sẽ không dung, Đất sẽ không tha khi đóng cửa Thánh đường palei Bicam trong mùa Ramadan. Người Chăm bây giờ bé nhỏ quá, lại bị chèn ép, bắt nạt, đe dọa đủ điều. Chính quyền trong nước đã làm vậy rồi thì chỉ có cách kêu gọi cộng đồng Hồi giáo trong khu vực và thế giới can thiệp.

 

ramawan-14-20-1
Hồi giáo Chăm Bani dâng vật cúng

 

 

Tác giả bài viết này thật sự mong muốn mọi mâu thuẫn và xung đột được giải quyết một cách thấu tình đạt lý trên cơ sở hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo luật tục và luật pháp để người Chăm Bani ở Tánh Linh – Bình Thuận được mở cửa lại Thánh đường trong tháng Ramadan này để đón ông bà, tổ tiên.

 

13/7/2014

 Glang Anak -danlambao