Thất nghiệp: vấn nạn của sinh viên Chăm sau khi ra trường Print
Written by Ja My (độc giả trong nước)   
Tuesday, 15 July 2014 06:21
logo dc gia 10 copie layout 1

Dân tôc Chăm bản địa với số dân trên 100 ngàn người hôm nay, sống nhiều nhất tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, so với dân tộc Kinh hơn 80 triệu người trên khắp cả nước. Họ là dân tộc chịu nhiều thiệt thòi nhất trong lịch sử mà chính quyền Việt Nam cần chú trọng, quan tâm và giúp đỡ mọi mặt để họ cải thiện đời sống hôm nay và tương lai.

 

Bất kỳ quốc gia nào, việc làm luôn là vấn đề cấp bách cần giải quyết nhằm ổn định đời sống cho người dân. Đối với dân tộc Chăm hôm nay, để có một công việc ổn định và lâu dài là một vấn đề vô cùng nan giải.

 

Hiện nay, đa số sinh viên Chăm ra trường thất nghiệp nhưng chưa có một chính sách nào của nhà nước Việt Nam  để giải quyết vấn nạn này, trong khi đó các chương trình lao động hay cán bộ địa phương tại khu vực người Chăm hoàn toàn nằm trong tay người Bắc di cư vào.

 

Dân tộc Chăm vốn dĩ đời sống nghèo nàn, đất đai sản xuất ít hoặc không có. Họ là kẻ trắng tay trên mảnh đất của tổ tiên  mình. Ước mong của các bậc cha mẹ Chăm hôm nay là con cái được ăn học và công việc ổn định, dù phải đi làm thuê, làm mướn hoặc bán nốt phần đất của gia đình. Thế nhưng sau khi con cái của họ ra trường thì những băn khoăn lo lắng càng hơn gấp bội.

 

Hôm nay, nhiều sinh viên Chăm học ra tại các trường đại học: Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Tự nhiên, Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm,.. phải vất vưởng làm các công việc như  hái cà-phê, phụ hồ, lượm điều hoặc làm các lao động chân tay khác không phù hợp với chuyên ngành họ được đào tạo của họ. Điều này gây ra một hệ luy lớn cho xã hội Chăm,  khi các thế hệ sau nhìn vào thế hệ trước ra trường thất nghiệp khiến họ dễ chán nản, dẫn đến tâm lý tiêu cực. Vì các em Chăm nghĩ rằng các anh chị của mình học tại các trường đại học lớn còn thất nghiệp. Vậy mình đi học tương lai sẽ làm gi? Chính điều đó làm các em khó xác định hướng đi cho tương lai của mình qua con đường học vấn. Nếu thực trạng này vẫn tiếp diễn thì dân tộc Chăm sẽ rơi vào vấn nạn thất học trong tương lai.

 

Về vấn đề xin việc hôm nay, người Chăm phải học thuộc lòng câu châm ngôn: “Nhất quan hệ, nhì tiền tệ”. Vậy nếu so về mọi mặt thì dân tộc Chăm bản địa vẫn còn thua xa đối với dân tộc Kinh (đa số). Đặc biệt là kinh tế và các quan chức đia phương. Vì sao phải xét như vậy?

 

Bởi xin việc ở Việt nam hiện nay, thứ nhất điều cần có là quan hệ (con ông cháu cha). Về mối quan hệ thì chắc chắn dân tộc Kinh thuận lợi hơn Chăm. Hiện nay đa số cán bộ đầu ngành tại địa phương điều là người Kinh. Vậy hà cớ gì họ không sắp xếp ghế ngồi cho con cháu mình.

 

Thứ hai về kinh tế, mặt này đối với người Kinh vẫn hơn. Dân tộc Chăm mảnh đất không còn để sản xuất lấy đâu ra tiền để mua ghế việc làm cho con cái họ với số tiền lớn 50 đến 60 triệu, trong khi đó thu nhập người Chăm của rất thấp, không đủ mua gạo nuôi gia đình.

 

Vậy giáo dục nhà nước Việt Nam đào tạo con em dân tộc bản đia để làm gì? Để có kiến thức bước vào cuộc sống chăng? Nếu nhìn vào khía cạnh nào đó thì ta có thể cho rằng đấy chỉ là những câu hỏi thừa.

 

Như nói ở trên, Chăm là dân tộc bản địa, họ thuộc nhóm dân tộc luôn chịu nhiều thiệt thòi, dễ tổn thương. Trong khi các dân tộc bản địa trên thế giới đều có những chính sách ưu tiên, được tạo cơ hội làm việc, được đối đãi một cách công bằng, họ được trao trả quyền tự trị hay bồi thường những tổn thất trong lịch sử như ở các quốc gia Mỹ, Nhật, Australia,.. đã áp dụng. Vậy dân tộc bản địa Việt Nam đã có được gì? Phải chẳng họ chỉ là những kẻ trắng tay trên mảnh đất tổ tiên mình, không có một công việc ổn định để duy trì cuộc sống tương lai.

 

Người Chăm hôm nay cần  gì ở Nhà nước Việt Nam?

 

Người Chăm chưa bao giờ dám nghĩ sẽ đòi lại quyền tự trị cho dân tộc mình, nhưng họ cần chính quyền có những chính sách cụ thể để họ tồn tại cũng như tự phát triển, nhằm tránh khỏi quy luật diệt vong trong tương lai.

 

Trước kia, Nhà nước Việt Nam cũng có những chính sách ưu tiên đối với dân tộc Chăm như: Ưu tiên con em Chăm vào các trường Dự bị Đại học, cộng 2 điểm cho các học sinh tốt nghiệp phổ thông, cộng điểm khi xin việc tại các cơ quan nhà nước. Thế nhưng chính sách đó ngày nay đã bị hủy bỏ hay thay đổi  nhằm loại bỏ quyền ưu tiên đối với dân tộc này. Cụ thể như :

 

Trước kia, hầu hết các khu vực làng Chăm khi thuộc đối tượng ưu tiên là dân tộc thiểu số, thì sau khi tốt nghiệp phổ thông họ đều được hưởng ưu tiên vào Dự bị, khi đủ điểm xét. Nhưng hôm nay, chính sách ưu tiên này đã cắt giảm đi, dù họ là dân tộc bản địa nhưng không thuộc vào khu vực ưu tiên thì không được hưởng chính sách ưu tiên. Vậy trên văn bản hành chính viết “ưu tiên dân tộc thiểu số” liệu có phù hợp không?

 

Tại sao nhà nước Việt Nam không áp dụng sự thay đổi này đối với diện ưu tiên gọi là con cháu, chít thương binh, liệt sĩ hay người có công? Chằng hạn người thuộc diện ưu tiên con em thương binh, liệt sĩ tại khu vực Hà Nội, hay các khu vực phát triển khác sẽ không được hưởng chính sách ưu tiên như đã áp dụng với đồng bào Chăm.

 

Trường hợp hai, khi con em Chăm đi xin việc trong tỉnh (Đặc biệt tại Ninh Thuận), chính sách ưu tiên trên văn bản khiến cho sinh viên phải cười đau đớn. Chằng hạn, ở các huyện đều có công văn giấy tờ ưu tiên cho dân tộc  thiểu số nhưng đằng sau đó là dấu ngoặc đơn là (chỉ ưu tiên dân tộc thuộc huyện đó)

 

Ví dụ: Ở Ninh Thuận, dân tộc Chăm thiểu số nộp hồ sơ vào huyện Thuận Bắc hay Bác Ái, Ninh Sơn thì bị vô hiệu hóa quyền ưu tiên dù chỉ trong tỉnh, vì người Chăm sống chủ yếu tại huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam. Thế nhưng chính sách ưu tiên cho con cháu thương binh, liệt sĩ được áp dụng trên toàn quốc.

 

Vậy chúng ta thấy hiện nay chính quyền Việt Nam đang “ tạo mọi điều kiện” để loại bỏ chính sách ưu tiên đối với dân tộc Chăm. Điều đó cho chúng ta tự đặt cho dân tộc mình một nghi vấn. Phải chăng nhà nước Việt Nam cho rằng: Dân tộc Chăm với số lượng sinh viên như hiện nay là đủ, hay cán bộ người Chăm làm việc trong bộ  máy Nhà nước như vậy là quá đủ, để rồi tạo điều kiện cắt giảm chính sách ưu tiên? Phải chăng, chính quyền sợ rằng khi trí thức Chăm càng nhiều sẽ ảnh hưởng đến quốc gia?

 

Trên thực tế hôm nay, dân tộc Chăm cần yêu cầu nhà nước cung cấp “cần câu”, đó là phương tiện tốt nhất giúp đỡ các dân tộc Chăm bản địa. Nghĩa là, cần tạo mọi điều kiện để phát triển giáo dục và việc làm cho sinh viên Chăm sau khi ra trường. Có công việc ổn định sẽ cho họ duy trì cuộc sống trong tương lai, để họ có cơ hội phát triển bản thân, cũng như góp phần vào việc phát triển toàn diện của quốc gia Việt Nam đa dân tộc. Điều đó cũng thể hiện niềm tin của họ đối với đường lối và chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

 

Đó mới là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm giúp các dân tộc bản địa  hay thiểu số cùng phát triển với dân tộc đa số. Góp phần xây dựng quốc gia Việt Nam phát triễn vững bền trong tương lai.