Sự thật về thánh đường Chăm Bani ở Tánh Linh bị niêm phong Print
Written by Người dân Tánh Linh   
Saturday, 13 September 2014 06:50
tanhlinh9-2014
Thánh đường Tánh Linh

Đọc bài viết “Tại sao Thánh đường Chăm Bani ở Tánh Linh đóng cửa” của nhóm tác giả tự xưng là thanh niên Chăm trên trang mạng Champaka và ngày 18.8.2014, chúng tôi những người dân Tánh Linh, có trách nhiệm phản hồi hầu tìm ra đâu là sự thật đằng sau bài viết này mà theo chúng tôi là có sự “dàn dựng, lập khống hồ sơ” để kết tội Po Gru Thông Dật, một người đã kiên trì, đấu tranh nhằm bảo tồn văn hóa, tôn giáo và luật tục Chăm. Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng phân tích theo từng nội dung mà nhóm tác giả đưa ra để tiện cho việc đối chiếu và theo dõi của quý độc giả, cũng như rộng đường cho dư luận bình luận.

 

1). Độ tin cậy của bài viết

 

Tác giả bài viết tự giới thiệu là “Nhóm thanh niên Chăm”, tức là có độ tuổi từ 18 – 25; nhưng mở đầu bài viết là “Đã hơn 10 năm qua, kể từ năm 2007 đến năm 2014 sinh hoạt tín ngưỡng giữa bà con Chăm Bani và Balamon Tánh Linh đã làm đảo lộn lối sống sinh hoạt Chăm không biết cho đến khi nào sẽ chấm dứt.”

 

Như vậy, câu chuyện này xảy ra khi nhóm tác giả khoảng từ 8 đến 15 tuổi. Ở lứa tuổi này ai cũng biết là chưa có khả năng nhận thức sâu sắc và đầy đủ vấn đề về tôn giáo và những diễn biến trong cộng đồng Chăm. Nay nhóm tác giả này viết bài cũng chỉ là nghe nói lại, hoặc đọc tài liệu lưu trữ.

 

Nếu nghe nói lại thì độ tin cậy không cao mà đọc tài liệu lưu trữ thì chỉ có những người đang làm cho chính quyền.

 

Qua đoạn này cũng cho thấy, có một sự xáo trộn dữ dội trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng và tôn giáo của người Chăm ở Tánh Linh trong suốt hơn mười năm qua, và sự kiện đóng cửa thánh đường Tánh Linh dịp Ramadan 2014 là giọt nước tràn ly để cho thấy bi kịch này không giải quyết được bằng thương lượng, trao đổi mà bằng áp chế từ quyền lực của chính quyền bởi cái quyết định oái ăm.

 

2).  Phản hồi một số nội dung trong bài viết

 

Đi sâu vào từng nội dung bài viết, chúng tôi nhận thấy như sau:

 

• Về sự chiếm đoạt đất đai

Tại dòng thứ 11 của đoạn từ trên xuống, tác giả viết: …. “Sau đó cuộc kiện tụng kéo dài khoảng 3 năm, bà Phương kiện ông Thông Dật về tội mượn đất không trả. Còn ông Thông Dật kiện bà Phương về tội muốn chiếm đất của ông Thông Dật. Chính quyền đã xét xử đất đó thuộc về bà Phương và đã có bản quyết định của chính quyền buộc ông Thông Dật phải trả lại đất cho bà Phương nhưng ông Thông Dật vẫn không chấp hành theo xử lý của pháp luật mà ông Thông Dật đã biến đất đó thuộc quyền sở hữu của mình và đã làm nhà sinh sống luôn trên đất đó.”

 

Nếu ông Thông Dật không chấp hành quyết định của chính quyền, tại sao chính quyền không có biện pháp chế tài nào yêu cầu ông Thông Dật phải trả đất.

 

Chắc chắn ông Thông Dật phải có cơ sở nào đó mới kiện lại bà Phương và cuối cùng là có “quyền sở hữu”.  Khi ông Thông Dật cất nhà, nếu không đúng quyền sở hữu tại sao chính quyền không cho dừng lại. Như vậy quyết định ban đầu của chính quyền xét xử đất của bà Phương là không đúng. Vậy “Ai cố tình chiếm đoạt đất của ại trong vụ kiện này” thì đã rõ. Hay đây là một vụ kiện vu khống nhằm kết tội ông Thông Dật dính líu chuyện tranh chấp đất đai. Chính quyền đã trù ám bằng quyết định nhưng vẫn không thắng được sự thật và cuối cùng ông Thông Dật vẫn được cự ngụ trên mảnh đất của tổ tiên mình.

 

• Biến cố trong dịp rửa tội năm 2004

 

Bài viết có đoạn: “Để chuẩn bị vào thánh đường tịnh chay theo phong tục của tín ngưỡng Chăm Bani,  ông mưm Thông Thương là anh vợ của ông Thông Dật cố ý đặt băng ghi âm trong khây mâm trầu của ông Gru Đồng Hù với mục đích là lên án ông Gru Đồng Hù quá già, lời kinh thánh đã bấp bênh hầu đưa anh mình là ông mưm Kỳ lên làm Gru”.

 

Qua đây có thể nói nhóm tác giả bài viết đã không hiểu được luật tục lên chức Po Gru của người Chăm vì việc lên chức Po Gru của người Chăm không phải dựa vào băng ghi âm này mà theo một quy định riêng.

 

Việc đặt băng ghi âm để nghe tiếng đọc kinh của Po Gru của ông Imam Thông Thương nếu có cũng là chuyện bình thường để truyền lại cho con cháu. Tác giả cho rằng mục đích việc làm này là để lên án Po Gru Đồng Hù quá già lời kinh thánh đã bấp bênh hầu đưa anh mình là ông mưm Kỳ lên làm Gru là hoàn toàn không có căn cứ, và mang tính vu khống, áp đặt định kiến của mình cho người khác….

 

Và cuối cùng chính quyền xác nhận cho ông Imam Kỳ lên làm Po Gru vào năm 2005 không phải vì ông Thông Thương muốn mà đúng theo trình tự và quy định luật tục Chăm.

 

Cũng trong đoạn này, tác giả viết: Ông Kỳ lên làm gru được vài tháng thì đổ bệnh qua đời. ông Dật là em rễ ông Kỳ và cũng là người cướp dất dân như đã nêu ở trên, nao nức gửi đơn lên chính quyền xin được làm Gru nhưng dân không chấp thuận.

 

Như đã phân tích trên, ông Thông Dật không thể là người chiếm đoạt đất đai, tác giả viết ông Thông Dật là “người cướp đất của dân” là sự vu khống không căn cứ; Tác giả là ai mà dám khẳng định Ông Thông Dật cướp đất trong khi chính quyền hiện tại vẫn chấp nhận quyền sở hữu nhà cửa của ông Thông Dật. Tác giả dùng từ “nao nức” gửi đơn là sai với “văn hóa người Chăm”. Việc đi nộp đơn của ông Thông Dật là quy định của chính quyền nên ông phải làm. Chính quyền chỉ xác nhận về mặt thủ tục chứ không có ý nghĩa trong “luật tục” Chăm. Tác giả bài viết đã thể hiện sự “ban-cho” quyền lực thường thấy trong xã hội Việt hiện nay để rồi áp vào trường hợp ông Thông Dật là không đúng.

 

Tác giả viết tiếp: “Ông Dật đưa luật đạo ra nói: ngày xưa khi ông Gru mất thì truyền lại ngôi vị cho người có tuổi thọ kế cận lên làm gru, nên ông là người phù hợp nhất làm Gru chứ không bầu cử gì cả”

 

Qua đây cho thấy chính quyền đã muốn xóa bỏ luật tục Chăm bằng cách đưa ra luật “bầu cử” cho chức Po Gru; và việc ông Thông Dật lên tiếng phát biểu bảo vệ luật tục Chăm là rất đáng trân trọng, vì trách nhiệm và bổn phận phải làm, không phải vì vụ lợi riêng.

 

Tác giả viết tiếp: “Mặc cho chính quyền và dân phản ứng thế nào, ông Dật cũng không chấp nhận, một mạch muốn mình được chính quyền xác nhận làm Gru cho nhanh.”

 

Tại sao chính quyền lại muốn phế truất ông Thông Dật làm Po Gru? Người dân nào phản ứng? Tại sao tác giả biết ông Thông Dật muốn chính quyền xác nhận cho nhanh? Câu viết này đã bộc lộ rõ ý đồ của chính quyền khi muốn can thiệp sâu và muốn phá vỡ luật tục Chăm cũng như muốn phế truất những người uy tín trong cộng đồng Chăm.

 

Những đoạn viết tiếp theo về sự cố trong các lễ cúng người Chăm đã cho thấy một sự xáo trộn lớn trong xã hội Chăm mà nguyên nhân từ những xung đột giữa một nhóm được chính quyền “đứng sau ủng hộ” và một nhóm kiên trì bảo vệ văn hóa và luật tục Chăm.

 

•  Về việc di dời mồ mả

 

Trong đoạn này, tác giải viết “Toàn bộ bà con Chăm rất phấn khởi đón nhận và nhiệt tình hưởng ứng”

 

Việc di dời mồ mả là không đúng như tác giả đã trình bày. Nếu toàn thể bà con hăm hở đồng ý sao có chuyện xung đột xảy ra, chém nhau xúyt xảy ra tai nạn trong lúc di dời mồ mã, rồi việc tổ chức cúp điện ném đá phá 7 ngôi nhà, trong đó có nhà sư cả Po Gru, kẻ lạ mặt phá hoại tài sản nương rẫy bà con?...Ai đã đứng đằng sau cho những xung đột này?

 

Cũng cần nói thêm:

 

Trong thực tế, nghĩa trang đang bị yêu cầu di dời, hiện nay người dân không chôn ở đây nữa, nhưng hàng năm người dân đến làm lễ tảo mộ ông bà tổ tiên.

 

Người dân chôn ở nghĩa trang khác (vì người Chăm Tánh linh có 3 nghĩa trang)

 

Còn nghĩa trang chính quyền mới thành lập, mục đích là sẽ gom lại 3 nghĩa trang cũ của người Chăm Tánh Linh về  đây. Mục đích chính là lấy đất nghĩa trang mà thôi, cũng như sâu xa muốn xóa vết tích người Chăm ở đây. Đó chính là lý do mà Po Gru kiên trì đấu tranh để bảo tồn mồ mã Chăm.

 

Để hiểu rõ thêm những thông tin liên quan đến tình hình bất ổn của bà con Chăm ở Tánh Linh, đọc giả cần đọc thêm các bài viết đã đăng bởi trang mạng champaka.info

 

Sự kiện dẫn đến niêm phong thánh đường Bani

 

Tất cả nội dung trong phần viết “Tại sao thánh đường Chăm Bani ở Tánh Linh bị niêm phong”  đều không đúng sự thật và được ngụy tạo với mục đích chính là nhằm hạ bệ uy tín và tẩy chay Po Gru; tìm cách thay thế lãnh đạo tôn giáo Chăm cho những người theo phe chính quyền để dễ dàng điều khiển và tiếp tục phá hủy các luật tục Chăm.

 

Chúng tôi được biết là:

 

Năm 2013, nhiều tình tiết đưa ra nhằm hạ bệ Po Gru , Po Gru đề nghị tất cả các chức sắc trong chùa rửa tội, nhưng phe nhóm tu sĩ Imam Thai, Imam Ninh, và Imam Thanh không chịu cho Po Gru rửa tội, còn lại tất cả các chức sắc khác được Po Gru rửa tội.

 

Bài viết nêu: (Po Gru ) Không thực hiện nghi thức bắt tay Salam trong tháng Ramuwan với tất cả các chức sắc trong thánh đường Chăm).

 

Như đã nêu ở trên nhóm tu sĩ Imam Thai, Imam Ninh, và Imam Thanh không chịu cho Po Gru làm lễ tẩy rữa, tẩy uế (ngak That, ngak Thaw Bah) theo lễ tục, do vậy việc Po Gru đã không bắt tay (Salam) với những người chưa rửa tội là đúng. Nếu bắt tay Po Gru sẽ bị Haram. Điều này cũng chính do nhóm tu sĩ Imam Thai, Imam Ninh, và Imam Thanh coi thường luật đạo, coi thường Po Gru, cố tình gây mất đoàn kết.

 

Tác giả viết: “Tự ý tổ chức lễ hội Suk của hồi giáo Bàni vào ngày 7/2/2014 mà không thông báo cho các chức sắc, tín đồ trong làng biết, nên không ai vào chùa tham dự. Ông Dật lại mở tiếp lễ hội Suk vào ngày 7/3/2014 với mục đích là bầu mưm Tanh mới, nhưng không mở cuộc họp để bàn trong chức sắc được biết, mà ông chỉ đạo con cháu ông là thầy Acar đến mở cửa thánh đường, lúc đó gặp các đàn bà người cầm chổi, cầm cây cải vả dẫn đến xô xát đánh nhau tại thánh đường, và xô xát giữa các chức sắc với nhau. Đã vậy ông gru Dật còn không chịu mở cuộc họp trong xóm làng, trong các chức sắc mà còn cố ý muốn mở thêm lễ hội Suk vào ngày 14/3/2014. Thông tin này lọt đến tai ban dân tộc tỉnh Bình Thuận, sở nội vụ Tỉnh nên các vị đã gửi giấy mời đến ban thường trực Hội đồng sư cả đến UBND huyện Tánh Linh họp để ngăn chặn việc ông gru Dật tự ý mở lễ hội Suk tránh tình trạng xô xát như ngày 7/3/2014 vừa qua. Trong cuộc họp các cấp lãnh đạo người dân đã bắt tay hòa giải, nhưng cuộc họp cũng không đem lại kết quả gì vì ông Thông Dật không chịu đoàn kết với các tín đồ, chức sắc của mình.”

 

Sự thật của sự kiện này là: Việc tổ chức lễ hội Suk 7/3/2014 là thông báo rõ cho tất cả chức sắc. Bất ngờ nhóm tu sĩ Imam Thai, Imam Ninh, và Imam Thanh cậy thế có chính quyền che chở (đặc biệt có ông Mai Sên) đã vận động vợ con cầm chổi, cầm cây tới đánh những ai tới dự tổ chức Suk. Họ còn đưa thùng máu Lợn đổ trước cửa chùa, cuối cùng không tổ chức được Suk (Để làm giảm sự bức xúc của người dân, nhóm công an xác minh với bà con đó không phải là máu Con Lợn, Con Heo mà là nước sơn màu Đỏ mà thôi.

 

Sự kiện này đã cho thấy nhóm “thân chính quyền” đã hết sức táo tợn và liên tiếp gây nên những xung đột trong cộng đồng Chăm mà cụ thể là với Po Gru Thông Dật nhằm gây áp lực đối với ông. Tác giả viết:…Thông tin này lọt đến tai ban dân tộc tỉnh Bình Thuận, sở nội vụ Tỉnh … đã cho thấy có sự “mách báo” “lọt vào tai” theo kiểu thân cận chứ không phải được trình báo một cách công khai theo thủ tục. Biểu hiện phe phái gây xung đột là từ các nhóm này.

 

Tác giả viết: “Từ đó bà con làm đơn yêu cầu gửi các cấp chính quyền vào ngày ( 05/03/2014) yêu cầu bãi nhiệm chức vụ sư cả của ông Dật. HĐSC đã nhận đơn kiến nghị và đình chỉ hoạt động của ông Dật từ ngày 20/04/2014.”

 

Tác giả cần nói rõ thêm bà con nào ở đây làm đơn? Ai đứng tên và bao nhiêu chữ ký người dân? Hay chỉ là nhóm “thân chính quyền” tạo dựng đơn từ để lấy cớ phế truất chức vụ sư cả của ông Thông Dật?

 

Lý giải cho việc đóng cửa thánh đường, nhóm tác giả viết: “Đến tháng Ramuwan 2014 các chức sắc vào thánh đường tu niệm, nhưng có rất nhiều người đứng vây quanh thánh đường không cho các chức sắc vào thánh đường vì lý do ông Thông Dật bị đình chỉ chức lãnh đạo. Vì vậy nên chính quyền có thông báo mời ông Dật ra giải thích cho bà con hiểu nhưng ông không đến. Để giữ trật tự an ninh không gây bạo lực trong tháng tu niệm Ramuwan, dẫn đến chính quyền phải niêm phong thánh đường để tránh tình trạng bạo động trong tháng tu niệm Ramuwan.”

 

Những  người đến vây quanh thánh đường không cho các chức sắc vào thánh đường trong mùa Ramadan là ai? Phải chăng đó là nhóm “thân chính quyền” ngăn cản các chức sắc và bà con hành lễ? Nếu các chức sắc tôn giáo Chăm Tánh Linh không ủng hộ Po Gru Thông Dật tại sao họ vẫn đến thánh đường? Khi thánh đường bị đóng cửa họ vẫn kéo đến nhà ông Gru Thông Dật để thực hiện các nghi lễ? Vậy có phải chăng chỉ một nhóm thân chính quyền đã làm đảo lộn trật tự tôn giáo và tín ngưỡng Chăm ở Tánh Linh.

 

Tại sao chính quyền giải quyết xung đột bằng cách đóng cửa thánh đường Chăm? Điều này gây ra bao hệ lụy khôn lường mà trước hết là quyền tự do tín ngưỡng của người dân bị xậm hại một cách nghiêm trọng.

 

Chúng tôi thông tin thêm chi tiết về vụ này:

 

Nhóm thân chính quyền  đề nghị Po Gru rửa tội, là điều sai trái với luật tục. Theo luật đạo, không ai có quyền đề nghị Po Gru rửa tội, mà chỉ Po Gru mới có quyền yêu cầu thành viên cấp dưới của mình rửa tội. Po Gru cũng có thể làm rửa tội, nếu Po Gru cảm thấy cần làm, điều này không ai bắt buộc mà Po Gru tự nguyện. Trong trường hợp này, vì trách nhiệm cao, và vì muốn sự đoàn kết, Po Gru đã đến Hội đồng sư cả xin làm rửa tội Thaw Bah, Tổng Sư Cả đồng ý nhưng thư ký Imam Dụng Xiên (giữ con dấu) không chịu đóng dấu vì muốn gây khó dễ cho Po Gru. Sau đó lấy cớ Po Gru chưa rửa tội nên không cho mở cửa thánh đường.

 

Thông tin thêm rằng việc đóng cửa thánh mà nhóm tác giả đưa ra là hoàn toàn bịa đặt. Vì trước đó vài ngày, Sở Nội vụ, ông Mai Sên đã bàn bạc việc đóng cửa thánh đường với Hội đồng Sư cả rồi.

 

Chính quyền đã chuẩn bị sẵn 2 ổ khóa để khóa cửa Thánh đường. Người trực tiếp khóa cửa là người em của ông Thông Phi (Thông Phi là Bí thư khu phố Chăm)

 

Như vậy việc đóng cửa thánh đường là có kế hoạch và chỉ đạo từ cấp trên chứ không phải vì sự xung đột an ninh vào thời điểm Ramadan 2014.

 

Để tránh sự hoang mang cho dân chúng vì Thánh đường đã bị chính quyền đóng cửa, trong Tháng Ramadan 2014 vừa qua, Po Gru đã dùng luật đạo là lấy nhà Po Gru làm nơi tạm thời để cho bà con tổ chức dâng lễ và tổng cộng được 22 chức sắc được đến hành lễ tại đây. NGOẠI trừ nhóm “thân chính quyền” thường xuyên quấy rối là không đến hành lễ.

 

Qua nhiều vụ việc như phân tích trên, cho thấy  Ông Mai SEN là người Chăm tham chức, tham quyền, không biết nhiều về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Chăm, đã làm theo chính quyền một cách mù quáng, trái với đạo lý của người Chăm mà đáng ra ông phải là người giải thích cho chính quyền hiểu biết về văn hóa, tín ngưỡng, luật tục Chăm để tìm cách bảo tồn và phát triển.

 

Chính ông Mai SEN cùng Sở nội vụ  đứng phía sau để điều khiển Hội đồng chức Sắc Chăm. Mục đích cuối cùng là sẽ tẩy chay, loại bỏ Po Gru ra khỏi Thánh đường và những ai kiên cường đấu tranh giữ gìn văn hóa và luật tục Chăm.

 

3). Ý kiến của người dân Tánh Linh (Trừ nhóm quấy rối của ông Imam Thai, Imam Ninh, và Imam Thanh)

 

Nếu chính quyền không chịu dừng tay, trả lại chức vụ Sư cả cho Po Gru cũng như những tổn thương và mất mát của người dân TÁNH LINH trong thời gian qua, tiếp tục hành xử không đúng, coi thường tôn giáo tín ngưỡng người Chăm; Dựng Hội đồng sư cả để can thiệp vào nội bộ  tôn giáo người Chăm, nhằm làm đảo lộn, gây rối trong hệ thống tôn giáo Chăm.....thì người dân Tánh Linh cũng như Thánh đường Tánh Linh sẽ xin rút khỏi Hội đồng Sư cả, hoạt động riêng theo luật tục Chăm truyền thống.

 

Theo một số thông tin mà chúng tôi nhận được, nếu Thánh đường Tánh Linh rút khỏi Hội đồng Sư cả, thì hai thánh đường tiếp theo là Thánh đường Palei Njar và Thánh đường Palei Carek cũng sẽ xin rút khỏi hội đồng sư cả.

 

Kết luận

 

Bài viết “Tại sao Thánh đường Chăm Bani ở Tánh Linh bị niêm phong” của nhóm thanh niên ở Tánh Linh có độ chân thực không cao. Có thể nói họ còn quá trẻ để có thể thấu hiểu một cách sâu sắc về văn hóa, tín ngưỡng và luật tục Chăm. Họ đã đứng về phía chính quyền hiện tại để quy chụp và dàn dựng một hồ sơ khống để hạ bệ và tẩy chay những người can đảm, mạnh dạn cất lên tiếng nói để bảo vệ văn hóa, tôn giáo, và luật tục Chăm như Po Gru Thông Dật. Họ đã dùng quyền lực của chính quyền thông qua Hội đồng Sư cả để phế truất những người dám đấu tranh bảo vệ văn hóa truyền thống, lễ tục và tôn giáo Chăm như Po Thông Dật mà cụ thể là việc đóng cửa thánh đường Chăm Bani Tánh Linh vừa qua là một minh chứng rõ nhất cho mục đích này.

 

Thời nào cũng vậy, người Chăm luôn ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống, tôn giáo và luật tục vì đó là di sản quý báu nhất mà Tổ tiên để lại cho con cháu sau khi vương quốc Champa bị thất thủ. Chỉ tiếc rằng, trong thời đại ngày nay, dưới sự can thiệp thô bạo của chính quyền cùng với sự tiếp tay của một nhóm người Chăm thiếu nhận thức đúng đắn về phong tục văn hóa Chăm mà lại ham những lợi danh hảo huyền từ chính quyền hứa hẹn để sẵn sàng tàn phá văn hóa Chăm, hủy hoại lục tục và tín ngưỡng tôn giáo Chăm. Người dân Tánh Linh (trừ nhóm phá rối) nguyện đoàn kết và kiên trì đấu tranh đến cùng để bảo vệ luật tục, tôn giáo Chăm.

 

Người dân Tánh Linh

 

Đọc thêm tin liên quan:

Bình Thuận đóng cửa Thánh Đường Chăm Bani trong tháng Ramadan với mục đích gì?

Dân oan: Thánh đường Chăm Bani bị niêm phong trong mùa Ramawan

Chính quyền Bình Thuận đào mồ mả tổ tiên người Chăm ?

Sự thật về “chiến tranh đào mồ mả” ở Bình Thuận

Trả lời cho web Công An về mồ mả người Chăm