Chính quyền Ninh Thuận xâm phạm tín ngưỡng người Chăm Print
Written by Ja Likei   
Sunday, 19 April 2015 22:04
jalikei 10

Hiến pháp Nhà nước quy định tại điều 24, mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo tôn giáo nào và các tôn giáo nào đều được bình đẳng trước pháp luật. Vậy mà cộng đồng Chăm ở thôn Chất Thường, xã Phước Hậu, Ninh Phước, Ninh Thuận đang bị chính quyền o ép, cưỡng chế quyền tự do tín ngưỡng một cách nghiêm trọng.  Việc làm này đã gây nên làn sóng phẫn nộ, phản đối trong tất cả các làng Chăm.

 

Khoảng cuối tháng 3/2015 cộng đồng Chăm thôn Chất Thường (ngoại trừ vài cán bộ thôn, xã) đã kiến nghị xin được đưa Linga cổ (người Chăm gọi là miếu Bà) ở ngoài làng (nơi luôn bị người Kinh xả rác thải) vào trong làng để thờ phụng, cúng tế. Tuy nhiên khi vấn đề đưa lên các cấp chính quyền thôn, xã đã bị phản đối với lí do đây chỉ là một tảng đá bình thường không rõ nguồn gốc, không đáng để cúng tế, thờ phụng.

 

Trước khi vào vấn đề chính xin được lấy 2 vấn đề để so sánh về quyền tự do tín ngưỡng ở thôn Chất Thường đã gây bao bức xúc trong dư luận, cộng đồng Chăm.

 

Cũng vào khoảng tháng 3/2014, một pho tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát xuất hiện trong khu nghĩa trang của người Chăm. Đây là nghĩa trang mà người Chăm thôn Chất Thường đã sử dụng vào mục đích chôn cất, làm lễ hỏa táng từ bao đời nay, tuy nhiên chính quyền thôn Chất Thường, xã Phước Hậu đã tự ý chia cắt một nữa (1/2) cho 5% người Kinh sinh sống tại làng này và việc pho tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát cũng mọc lên từ đây. Việc làm này đã làm toàn thể đồng bào Chăm trong thôn phản đối, họ phản đối vì sự chiếm đất công khai, có chủ đích. Vì khi đó pho tượng ngẫu nhiên trở thành minh chứng cho việc hợp pháp hóa đất nghĩa trang vào khoảng vài chục năm sau. Và việc mất đất nghĩa trang chỉ là việc nay mai. Khi đó người Chăm không còn nơi để chôn cất, làm lễ hỏa táng.

 

jalikei 20a
Kut-Linga thôn Chất Thường

 

Việc đáng lên án chính là pho tượng được chính quyền bảo kê, bảo vệ ngày đêm. Khi bị hư hỏng, trầy xước luôn có vài công an viên đến điều tra, đổ lỗi cho người Chăm phá hoại nhằm cố ý đẩy người Chăm vào vòng lao lý về cái gọi là phá hoại, xâm hại nơi thờ tự tôn giáo khác.

 

Với người Chăm, tín ngưỡng thờ Linga phổ biến trong cộng đồng Chăm và nó trở thành một điểm tựa tinh thần vô giá, cho dù ở bất cứ đâu dù xa xôi hẻo lánh họ cũng đến để cúng tế, thờ phụng. Điều đó trở thành nét đẹp văn hóa, biết tôn trọng tổ tiên, tôn trọng những người đã khuất, tôn trọng các bậc tiền nhân Chăm xưa.

 

Linga ở thôn Chất Thường chính là một điển hình. Dù rằng cộng đồng Chăm ở đây không biết Linga có từ khi nào, do ai dựng nên nhưng họ luôn biết trân trọng những người đã khuất, các bậc tiền nhân Chăm và thần thánh hóa trở thành Po Yang (thần linh) nhằm cầu phúc cho dân, mang lại sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu. Đó chính là tín ngưỡng là nét đẹp văn hóa tinh thần của người Chăm ở bất cứ làng nào và có từ bao đời nay. Một phần họ mất lòng tin vào chính quyền vì những vụ cướp bóc, trộm cắp thường xuyên xảy ra ở các làng Chăm nhưng chính quyền không ngó ngàng đến và xem nó trở thành một phần trong cuộc sống ở các làng Chăm cho nên họ tin tưởng, bấu víu vào thế giới tâm linh để an ủi họ một phần nào đó về tinh thần.

 

Vậy việc người Kinh được quyền, được phép dựng Địa Tạng Vương Bồ Tát trong nghĩa trang người Chăm và việc người Chăm thờ cúng bậc tiền nhân của họ trong làng của họ có đáng bị lên án, bị xâm phạm, bị cưỡng chế. Chính quyền xã ở đây đại diện cho ai? Đó là câu hỏi mà toàn thể đồng bào Chăm đang thắc mắc. Là chính quyền đại diện cho toàn thể đồng bào, nhân dân trong vùng hay chính quyền của một bộ phận người Kinh đang sinh sống tại đây. Mà trong đó người Chăm là một bộ phận không thể tách rời, xóa bỏ. Vậy điều 24 hiến pháp nước Việt Nam quy định thì cộng đồng Chăm được tự do tín ngưỡng hay không, có bình đẳng với dân tộc Kinh trong làng hay không?

 

Sự việc này đã diễn ra gần ba tuần nay. Và khi di dời Linga – Po Yang vào trong làng đến nay người Chăm trong thôn phải túc trực 24/24 nhằm sợ chính quyền đến quấy phá, đập bỏ và cưỡng chế. Cả ngày lẫn đêm, các cụ ông, cụ bà, trẻ em, nam thanh nữ tú đều có mặt bất cứ lúc nào để bảo vệ Po Yang thần thánh của họ.

 

jalikei 20b
Đống rác bên cạnh Kut-Linga

 

Điển hình của vụ việc là ngày hôm nay 16/4/2015. Các cán bộ thôn, xã đã kéo đến rất đông nhằm thực hiện việc cưỡng chế, di dời. Việc này đã gây phẫn nộ trong đồng bào Chăm và họ đã tề tựu rất đông để bảo vệ Po Yang người mà họ kính trọng, tôn thờ. Tuy nhiên thấy người dân kéo đến đông họ chỉ đứng nhìn và họp bàn.

 

Thiết nghĩ các cấp, ban ngành có thẩm quyền cao hơn như Ban Dân tộc tỉnh, Uỷ ban Dân tộc cần đứng ra giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân, để người dân còn có một chút niềm tin vào chính quyền. Thực hiện tốt chính sách “tốt đời, đẹp đạo” và đoàn kết các dan tộc mà Đảng và Nhà nước luôn kêu gọi.

 

Bài viết của Ja Likei

Web Gulpataom, 16-4-2015

 

jalikei 20c
Tượng bồ tát trong nghĩa trang Chăm