Vấn đề bản địa: Dệt thổ cẩm Tây Nguyên bị thoi thóp Print
Written by BBT Champaka.info   
Tuesday, 21 April 2015 00:40
tho cam tn 10a

Ngày 20-4-2015, nhóm phóng viên của đài Á Châu Tự Do (QCTD) cho rằng nghề dệt thổ cẩm của dân tộc bản địa Tây Nguyên đang chết dần chết mòn, thoi thóp vì kĩ nghệ du lịch Việt Nam. Dệt thổ cẩm thực chất là dệt vải cổ truyền của các dân tộc thiểu số. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết của các nghề truyền thống của dân bản địa Việt Nam, trong đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thoi thóp của nghề dệt truyền thống các dân tộc thiểu số như Tây Nguyên và Chăm vẫn là những chủ trương văn hóa bị lệch hướng mà cho đến thời điểm hiện tại, không thể nào gượng lại được nữa.

 

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống bị trá hình

 

Một người chuyên dệt thổ cẩm ở Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc tên H.Mold, chia sẻ:

 

“Trong vương quốc Champa, thổ cẩm bắt nguồn từ người Chăm trước, từ thánh mẫu Ponaga, tức là thánh mẫu Thiên Y A Na. Dệt thổ cẩm vẫn còn nét truyền thống ngày xưa ở các làng của người Chăm, mặc dù dệt bằng máy thì nhanh nhưng không bằng dệt bằng tay. Nói chung là nghề dệt thổ cẩm phải nói tới người Chăm, sau đó ảnh hưởng đến các bộ tộc khác thuộc tiểu vương quốc Champa như Ê Đê, M. Nông. Hiện tại, nghề này đã chết dần chết mòn bởi người ta dệt bằng máy, chạy theo thị trường. Vẫn còn một số nghệ nhân giữ truyền thống dệt bằng khung cửi gỗ, may tay, mặt hàng đẹp, du khách rất thích nhưng sống không nổi…”.

 

Theo H.Mold, nghề dệt thổ cẩm hiện nay không còn là nghề dệt cổ truyền của người đồng bào bản địa nữa. Nó hoàn toàn thay đổi và có tính trá hình. Là một thợ dệt được mệnh danh nghệ nhân thổ cẩm, H. Mold cho rằng đúng nghề dệt cổ truyền của bà con đồng bào Ê Đê của chị thì nguồn nguyên liệu phải là vỏ cây, xơ cây. Sợi dệt được rút ra từ vỏ cây và màu sắc cũng được chiết xuất từ các loại vỏ cây tự nhiên theo phương pháp thủ công.

 

Nhưng rất tiếc, nghề dệt thổ cẩm hiện tại không còn dấu vết của nghề dệt vải truyền thống Ê Đê nữa. Bởi khi làm du lịch, mặt hàng thổ cẩm được đưa vào danh mục quà lưu niệm bán cho khách và mức giá do ngành du lịch ước định bằng cách đấu giá lô bán hàng ở các điểm du lịch, đưa ra mức giá sàn cho mặt hàng thổ cẩm và thả nổi trên thị trường du lịch.

 

Chính vì mức thuế đóng hằng năm ở các ki ốt bán hàng quá cao, cộng với giá thị trường bị thả nổi nên sinh ra những loại cạnh tranh không lành mạnh nhằm bù lỗ tiền thuế và thu lợi nhuận. Đây cũng là dịp cho hàng trăm loại thổ cẩm nhái từ Trung Quốc tuồn vào các ki ốt ở Tây Nguyên với giá bán rẻ bèo. Và đây cũng là lúc mà ngành dệt thổ cẩm chính thức hấp hối và chết đi trên đất Tây Nguyên.

 

Thay vì mỗi bộ áo quần trẻ em phải dệt hàng tháng trời, mỗi chiếc khố, chiếc chăn phải dệt mất vài tháng, qua nhiều công đoạn, trong đó gồm đi lấy vỏ cây về đập dập rút sợi, lấy vỏ cây để chiết xuất màu làm phẩm nhuộm, phơi sợi, điều chế màu đúng với gam truyền thống và dệt, phơi, ngâm màu, ủ màu… Thì người ta chỉ cần lấy mẫu hàng giống y mẫu truyền thống nhập từ Trung Quốc có giá tiền chưa bằng 10% giá thổ cẩm Tây Nguyên bởi loại hàng này dệt bằng chỉ sợi công nghiệp, nhuộm bằng phẩm hóa chất nên sản xuất rất nhanh và chẳng tốn kém bao nhiêu.

 

tho cam tn 20a
Thổ cẩm Tây Nguyên

 

 

Một khi hàng nhái của Trung Quốc xuất hiện thì các nghệ nhân thổ cẩm Tây Nguyên phải vừa tìm cách trụ với nghề lại vừa chống chọi với các đối thủ để tồn tại. Chính vì vậy, đa phần nghệ nhân thổ cẩm Tây Nguyên một mặt buôn hàng nhái của Trung Quốc ở chợ để khỏi bị thua lỗ, sập tiệm. Mặt khác, các nghệ nhân vay vốn đầu tư hệ thống máy dệt để tự dệt vải thổ cẩm bằng chỉ sợi nhưng đảm bảo đường nét và hồn vía của mình rồi sau đó mang loại hàng tự sản xuất đến những nơi có uy tín để bỏ mối, kí gởi với giá cao hơn hàng Trung Quốc.

 

Bà H. Mold luyến tiếc, nói rằng mặc dù hàng thổ cẩm do gia đình chị dệt máy hiện tại vẫn đẹp và sắc sảo, vẫn mang hồn vía Tây Nguyên nhưng thực chất nó không phải là loại vải từ sợi vỏ cây truyền thống của người Ê Đê. Hay nói cách khác, hàng thổ cẩm truyền thống hiện tại trên đất Tây Nguyên là loại hàng trá hình. Sự tồn tại của nó cho thấy rằng nghề dệt thổ cẩm đích thực của người thiểu số Tây Nguyên đã chết.

 

Và nghề dệt thổ cẩm trá hình hiện tại vẫn sống chẳng được mạnh mẽ cho mấy, nó cũng đang thoi thóp bởi thị trường du lịch thời đồ đểu. Nói đến đây, H. Mold buồn rầu kết luận là cho dù có gắng gượng, có chạy theo thời đồ đểu thì bà con đồng bào thiểu số vẫn phải thoi thóp với đời sống hiện tại.

 

Thoi thóp với nợ ngân hang

 

Một chủ cửa hàng bán thổ cẩm và đồng thời cũng là chủ của một xưởng dệt thổ cẩm ở Buôn Hồ, Đắc Lắc, tên Cường, chia sẻ thêm: “Thổ cẩm mà bỏ mối trên Sài Gòn thì bỏ mối để bán cho khách Tây, thì làm theo thị hiếu của khách hàng thôi!”.

 

Theo ông Cường, tình trạng các lành dệt thổ cẩm thi nhau mọc lên, các cửa hàng thổ cẩm cũng mọc ra như nấm để rồi chết dần chết mòn đã diễn ra vài năm nay tại Tây Nguyên. Nhiều lần ông chạy ra Bắc Hà, Sapa, Lào Cai và lên tận Hà Giang để nghiên cứu, tìm phương án cứu thổ cẩm Tây Nguyên nhưng cuối cùng thì các chuyến đi chỉ làm ông mất khoản chi phí đi lại, không mang lại kết quả tốt đẹp nào bởi nghề thổ cẩm ở Tây Bắc cũng đang thoi thóp chết, thậm chí còn chết tệ hại hơn thổ cẩm Tây Nguyên. Bởi người đồng bào thiểu số ở đây đã bắt đầu học thói trình diễn, dùng hàng nhái nhưng lại ngồi trình diễn y như thật trước con mắt khách du lịch.

 

Ví dụ như việc nhuộm chỉ, bà con H.Mong đã dùng chỉ sợi công nghiệp, màu hóa chất để mang ra chợ ngồi nhuộm cho khách tham quan nhìn, ai nhìn lâu thì họ mời mua hàng thổ cẩm với giá tương đối cao. Trong khi đó, món hàng họ mời mua là hàng nhái của Trung Quốc hoặc may mắn lắm thì hàng dệt của các cơ sở chuyên dệt thổ cẩm dưới Hà Nội. Và với kiểu ngồi nhuộm màu hóa chất dính đầy tay từ ngày này qua ngày khác dưới nắng như vậy, trước sau gì cũng bị nhiễm độc da và mang bệnh. Ông Cường cho rằng cách làm này quá nguy hiểm và đánh mất lương tâm.

 

Hiện tại, cơ sở sản xuất thổ cẩm của ông Cường chỉ duy trì để thoi thóp qua ngày. Người lao động trong cơ sở của ông cũng bắt đầu tứ tán đi nơi khác để làm thuê bởi bám trụ với cơ sở không thể sống qua ngày được. Trong khi đó, ông Cường đã nợ lên con số khá cao, tuy không ở mức tiền tỉ nhưng với đồng bào thiểu số, mức vài trăm triệu đồng nợ ngân hàng là mức mà ai nghe cũng muốn đứng tim.

 

Không riêng gì ông Cường, hầu hết các cơ sở sản xuất thổ cẩm truyền thống tại Tây Nguyên nói riêng và ở Việt Nam nói chung đều đang thoi thóp, hấp hối, chằng biết bao giờ mình chết hẳn. Ông Cường cho rằng đây là cái giá mà ngành du lịch Việt Nam đã ăn quá mặn để bà con thiểu số phải khát nước đến chết như vậy!