Có nên tái lập lại qui chế dân tộc bản địa Champa tại Việt Nam? Print
Written by Musa Porome   
Sunday, 18 March 2012 00:25
porome 5
Musa Porome

Champa là một vương quốc hùng mạnh đã từng đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hình thành lịch sử quốc gia ở Ðông Nam Á. Hơn 17 thế kỷ tồn tại, và gần 1.000 năm dưới sức ép Nam Tiến, vương quốc này bị xóa bỏ trên bản đồ vào năm 1832 và chỉ để lại cho hậu thế hôm nay một chuổi đền đài hoang phế, một ít đền đài còn đứng vẫn tiếp tục hùng tráng trên những ngọn đồi dọc miền trung nước Việt.

Tất cả những huy hoàng tráng lệ của vương quốc Champa xưa kia đã đi vào lịch sử. Nhưng nhắc lại lịch sử không nhằm mục đích khơi dậy lòng hận thù hay phát huy tinh thần phục quốc mà là nêu ra sự thật của sự kiện để hai dân tộc Việt và Champa cùng nhau tiếp thu những quá khứ bi thương mà dân tộc Champa đã gánh chịu hầu đi tìm một giải pháp chung làm thế nào dân tộc bại trận này được tồn tại trong thế kỷ thứ 21 này, dựa trên tinh thần hòa giài và hòa hợp dân tộc.

Chấp nhận sự thật lịch sử của dân tộc Champa, dù sự thật có chứa đựng một nội dung tang thương và đau buồn đi nữa, sẽ là yếu tố cần thiết để xây dựng hòa bình cho Việt Nam, một quốc gia đa chủng, đa văn hóa và đa tôn giáo. Nó không còn là phương tiện nữa mà là cứu cánh cho mọi giải pháp hòa bình giữa hai dân tộc Việt và Champa. Vì rằng,  Việt Nam hôm nay là không gian liên đới tập trung nhiều thành phần chủng tộc trong đó có dân tộc Việt và dân tộc Champa.

Một khi đã công nhận dân tộc Champa là một thành phần trong xã hội Việt Nam, thì ít ra nhà nước Việt Nam phải công nhận nguồn gốc lịch sử của dân tộc này, có nghĩa là phải khẳng định rằng dân tộc Champa không phải là nhóm người thiểu số từ phương xa đến định cư ở miền trung Viêt Nam mà là dân bản địa sinh ra từ quê cha đất tổ của họ. Nguyện vọng của họ không phải là đòi lại lãnh thổ Champa trong quá khứ mà chỉ xin nhà nước Việt Nam ban cho họ quyền sở hữu đất đai trong khu vực mà họ đang sinh sống hôm nay. Họ cũng không đòi độc lập hay tự trị mà chỉ mong nhà nước Việt Nam cho họ quyền được sống trong biên giới truyền thống của họ, quyền được làm chủ nhân trên di tích đền đài nơi mà họ đang thờ phượng.

Cũng vì ý thức đến nguồn gốc lịch sử của dân bản địa Champa và nâng cao chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc, vua Thiệu Trị đã tái lập khu tự trị vào năm 1840 dành cho dân tộc Chăm ở khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận và vua Bảo-Ðại đã ban hành qui chế “Hoàng Triều Cương Thổ” trên lãnh thổ Tây Nguyên. Mục tiêu của chính sách này là tạo điều kiện để hai dân tộc Việt-Champa cùng chung sống bên nhau nhưng không trà trộn với nhau trong một biên giới hầu né tránh mọi tranh chấp về đất đai mà hậu quả chỉ đưa đến sự xung đột đẫm máu.

Sau ngày lên nắm chính quyền, Ngô Ðình Diệm phủ nhận qui chế dân tộc bản địa và hủy bỏ chính sách “Hoàng Triều Cương Thổ”. Chính sách này đã phát sinh ra phong trào đấu tranh Bajaraka ở Tây Nguyên, sau đó là mặt trận Fulro hầu đòi quyền sở hữu đất đai của họ. Khi Ngô Ðình Diệm bị lật đổ, đã có nhiều chính sách mới trong guồng máy chính quyền Sài-Gòn dành cho dân tộc Champa một ít kết quả nhưng không đáng kể. Phải chờ sự ra đời của chế độ Nguyễn Văn Thiệu, nhà nước Việt Nam mới bắt đầu ý thức được thế nào là yếu tố lịch sử của dân bản địa, thường gọi là dân tộc thiểu số, để rồi cho thành lập một Bộ Phát triển Sắc Tộc có chức năng quản lý nhân dân họ.

Việc thành lập một bộ phận hành chính riêng biệt cho dân tộc thiểu số Champa không phải là một nhượng bộ của chính quyển Sài Gòn mà là một giải pháp hòa đồng dân tộc hầu né tránh những tranh chấp chính trị có thể xảy ra. Chủ trương của Nguyễn Văn Thiệu là một chiến lược tâm lý và cũng là một chính sách thiết thực đã mang nhiều lợi ích cho quốc gia Việt Nam trên nhiều lãnh vực. Thế nhưng, quyền bình đẳng dân tộc vẫn chưa được phân định rõ ràng, vì giai cấp giầu nghèo giữa hai dân tộc Kinh-Champa còn quá chênh lệch.

Sau biến cố 1975, chính quyền Hà Nội quốc hữu hóa toàn diện đất đai của dân tộc Champa, biến dân tộc này thành một tập thể vô sản nghèo đói và bần cùng. Chính quyền Hà Nội thay đổi hoàn toàn cơ cấu tổ chức ở cấp Xã, Huyện nơi có đa số người Champa, giao quyền quản lý đơn vị hành chánh Xã và Huyện cho người Kinh chỉ biết phục vụ theo chính sách của đảng và nhà nước để rồi gạt bỏ mọi yếu tố cấu thành phong tuc tập quán của người Champa.

Hết xóa bỏ quyền sở hữu đất đai, nhà nước Việt Nam cũng quốc hữu hóa luôn đền tháp Champa để làm nơi du lịch kinh doanh mang lợi nhuận cho quốc gia, không cần xin quan điểm hay ý kiến của dân tộc này.

Ðối với dân tộc Champa, quốc hữu hóa đền đài nơi mà họ đang thờ phượng đồng nghĩa với quốc hữu hóa thần linh của họ, là hành động làm đảo lộn cả thế giới tâm linh của dân tộc này mà hậu quả chỉ càng khuyếch đại thêm lòng căm thù của nhân dân đối với nhà nước.

Sự vùng dậy của dân tộc Tậy Nguyên vào năm 2001 và 2004 đòi nhà nước Việt Nam phải trao trả lại cho họ đất đai bị chiếm đóng và quyền tự do hành đạo là một bài học thích đáng. Thay vì giải quyết vấn đề này trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, chính quyền Hà Nội dùng bạo lực càng quét bắt bớ và khủng bố nhân dân Tây Nguyên vô tội. Sự vùng dây này cũng phát sinh từ những tầng lớp lãnh đạo gốc người Kinh chỉ biết lợi dụng quyền lực của đảng để cai trị dân tộc bản địa, lúc nào cũng đứng ra bênh vực quyền lợi cho hàng trăm ngàn cư dân Việt tràn lên Tây Nguyên tha hồ chiếm đoạt tài sản đất đai của dân bản địa.

Năm 2005 lại xảy ra vụ ấu đả giữa giới trẻ Kinh-Chăm tại làng Hòa-Thủy tỉnh Ninh thuận đã làm thiệt mạng một thanh niên Chăm. Thay vì giao trách nhiệm cho những cán bộ địa phương nắm rõ tình hình để giải quyết vụ việc, chính quyền Hà Nội lại ra lệnh cho lực lượng công an đàn áp thanh niên Chăm, bắt bớ và giam cầm họ. Ðể trả lời cho cuộc bạo động này, nhà nước chỉ cho biết vụ việc xảy ra bắt nguồn từ các băng đảng của giới thanh niên, nhưng không giải thích băng đảng này đã phát sinh từ nguyên do nào. Có chăng từ hoàn cảnh nghèo đói bần cùng

Dân tộc Chăm hôm nay chỉ là một cộng đồng vô sản, không đủ cơm ăn áo mặc. Giới trẻ người Chăm hôm nay chỉ là một tập thể nghèo đói không công ăn việc làm. Từ thực trạng nghèo đói và bần cùng đã nẩy sinh ra tật trộm cắp chém giết nhau. Ðó là những nguyên do giải thích sự hổn loạn xã hội người Chăm mà chính quyền cần quan tâm tìm giải pháp.

Ai cũng biết rằng dân tộc Champa hôm nay không bao giờ mơ ước tái lập chủ quyền Champa độc lập. Nguyện vọng chính đáng của họ chỉ là thỉnh cầu nhà nước Việt Nam ban cho họ quyền công bằng trước luật pháp, quyền phát triển phong tục tập quán và văn hóa của họ và nhất là quyền làm chủ đất đai để nâng cao mức sống kinh tế của họ, chỉ có thế thôi.

Nhằm thỏa đáng những nguyện vọng đó, nhà nước Việt Nam nên trả lại đất đai của dân tộc Champa mà nhà nước đã tịch thu, tái lập lại qui chế tự trị hành chính ở địa phương từ cấp xã huyện nơi có đông dân cư Champa mà triều đình Huế đã ban hành vào năm 1840 và có hiệu lực cho đến năm 1975.

Tại trung ương, nhà nước Việt Nam cũng nên thành lập một cơ quan ngang hàng với cấp Bộ đặc trách về dân tộc bản địa. Ðây cũng là chính sách nhằm chứng minh rằng nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa cũng bảo vệ quyền lợi dân tộc bản địa không khác gì thời Việt Nam Cộng Hòa. Sự ra đời một cơ quan đặc trách về dân tộc bản địa là vấn đề ưu tiên và cần thiết, tạo điều kiện để chính người Champa điều hành và lãnh đạo trực tiếp nhân dân họ, phát triển chính sách hòa đồng dân tộc chặt chẽ. Chính đó mới là ước vọng thật sự của toàn thể nhân dân Champa.

Mọi thất vọng của dân tộc bản địa chỉ lôi kéo họ vào con đường đấu tranh bạo động, hân thù dân tộc và tàn phá cả hòa bình của một quốc gia, nhất là quốc gia Việt Nam đa chủng, đa tôn giáo và đa văn hoá.

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka 24: 14-3-2008)

 

Bài liên quan :

Vấn đề người Chăm đòi lại đất đai
Ðâu là quyền sở hữu đất đai của dân tộc bản địa?
Thỉnh nguyện thư về đất đai người Chăm
Phan Cao Sơn kết tội dân tộc Chăm muốn đòi đất đai Champa

Từ lò điện nguyên tử hạt nhân đến quặng mỏ Bauxit
Việt Nam không thay đổi chủ trương xây lò điện hạt nhân
Số phận hẩm hiu của dân tộc Chăm hôm nay
Thư kháng nghị về nhà máy hạt nhân tại vùng Chăm
Thư cho Thủ Tướng VN về đất đai và lò hạt nhân ở vùng Chăm