Thư kháng nghị về nhà máy hạt nhân tại vùng Chăm Print
Written by BBT Harak Champaka   
Sunday, 18 March 2012 09:18
n. d. manh baogialai.com
N. D. Mạnh (Ph. baogialai.com)

Thay lời của BBT: Đây là Thư kháng nghị về nhà máy hạt nhân của Hội Ðồng Phát Triển Văn Hóa Xã Hội Champa gởi cho Ngài Nông Ðức Mạnh, Tổng bí thư Ðảng Cộng Sản Việt Nam.

 

USA ngày 25 tháng 8 năm 2008

 

THƯ KHÁNG NGHỊ

 

Kính gởi:

 

- Ngài Nông Ðức Mạnh, Tổng bí thư Ðảng Cộng Sản Việt Nam.

- Ngài Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

- Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

- Ngài Ðỗ Viết Trọng, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

 

Kính thưa Quí Ngài:

 

Chúng tôi thuộc Ban Cố Vấn và Ban Ðiều Hành Hội Ðồng Phát Triển Văn Hóa và Xã Hội Champa có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ đồng kính gửi thư Kháng Nghị này lên Quí Ngài về việc Nhà nước Việt Nam quyết định thiết lập nhà máy điện hạt nhân tại khu Sơn Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận với công suất 4000 megawatt và sẽ đưa vào vận hành vào năm 2020 theo thông báo chính thức của quốc hội Việt Nam ngày 03/06/2008 về luật năng lượng nguyên tử và được xác nhận bởi ông Gs. Ts. Vương Hữu Tấn, viện trưởng Viện Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam qua đài RFA vào ngày 09/06/2008.

Chúng tôi thiết nghĩ xây dựng lò điện hạt nhân là chương trình có lợi ích cho sự phát triển năng lượng điện lực quốc gia, nhưng nếu dự án này được kiến thiết trên địa bàn thuận lợi, có sự đồng thuận của toàn thể nhân dân sinh sống trong khu vực và nhất là phải có một đội ngũ khoa học chuyên môn để bảo đảm sự an toàn của một lò điện hạt nhân thì tốt nhất.

Tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là hai đơn vị hành chánh có diện tích rất là eo hẹp chưa đầy 12.000 km vuông, nơi tập trung hầu hết dân tộc Chăm tổng cộng chưa đến 100.000 người và cũng là vùng đất khô cằn, mưa gió bất thường. Vì vậy, kiến thiết lò điện hạt nhân trên địa bàn Sơn Hải của tỉnh Ninh Thuận và cũng là địa đầu của tỉnh Bình Thuận chắc chắn không thuận lợi cho việc bảo toàn môi trường nhân sinh của người dân, nhất là dân tộc Chăm đang sống co cụm trong khu vực mà không ai có thể tiên đoán được thế nào là sự tồn vong của họ trong thế kỷ thứ 21 này, một khi lò điện hạt nhân Ninh Thuận bị rò rỉ vì vấn đề kỹ thuật. Có chăng Nhà Nước Việt Nam có một dụng ý nào đó, vì tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là nơi dung thân cuối cùng của thần dân Champa, một vương quốc nằm ở miền trung Việt Nam đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới vào năm 1832.

Ai cũng biết, hóa chất phóng xạ của nhà máy hạt nhân là mối đe dọa khủng khiếp có thể tiêu diệt hàng trăm ngàn người cùng một lúc chưa nói đến hậu quả ô nhiễm của nó có thể làm tác hại cho cả một thế hệ qua nhiều chứng bệnh bất thường như ung thư, quái thai, tật nguyền, v.v.v. Sự tàn phá kinh hoàng do lò hạt nhân Tchernobyl gây ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1986 tại Ukraine là một minh chứng cụ thể. Mặc dù tai nạn này đã xảy ra hơn 20 năm qua, nhưng hôm nay, hơn 6 triệu người dân sinh sống trong khu vực vẫn còn lo âu và sợ hãi vì chất phóng xạ mà cả Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc vẫn chưa tìm ra giải pháp thích đáng. Chính vì vậy khi dự án xây dựng lò điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận được công bố, dư luận trong nước trở nên xôn xao và lo lắng. Các cơ quan báo chí đã đồng loạt đăng tải các bài viết của các nhà khoa học, các trí thức lên tiếng về vấn đề hệ trọng và nhạy cảm này. Nổi bật nhất là những bài viết đầy thuyết phục của hai nhà Vật Lý Nguyên Tử hàng đầu Việt Nam:

Tiến sĩ Phạm Duy Hiển, nguyên cựu giám đốc lò điện nguyên tử Ðà Lạt sau năm 1975, đã đăng bài trong báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (11-1-2004) nói rõ tình hình nước Việt Nam hiện nay chưa cần thiết phải “dan díu đến lò điện hạt nhân ít nhất là sau năm 2030” bởi vì tính chất quá nguy hiểm của nó khi điều kiện và phương tiện để bảo trì nhà máy của Việt Nam còn quá ư là hạn chế.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn Nha Kinh Tế thủ đô Paris, Giáo sư Ðại học Bách khoa Grenoble thuộc Pháp Quốc, có bài đăng trong Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (27-5-2004), phân tích cặn kẽ tại sao Việt Nam chưa nên xây dựng lò điện hạt nhân trong giai đoạn hiện nay. Tác giả đưa ra những tác hại khủng khiếp do nhà máy điện hạt nhân gây ra cho những nước đang thụ đắc ngành công nghệ tiên tiến này. Theo Ông “cho đến nay các nhà khoa học vật lý hạt nhân vẫn chưa tìm ra giải pháp để chôn cất an toàn chất phóng xạ dài hạn”. Do đó các nước tiên tiến trong thế giới ngày nay có xu hướng giảm dần sản xuất điện hạt nhân.

Ngoài các bài viết đầy thuyết phục của hai nhà khoa học nêu trên, chúng ta cũng đã nghe tường thuật của các báo chí điạ phương Ninh Thuận thuật lại lời cảnh báo của Ông Trương Xuân Thìn lúc đó là Phó Bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận, nhân buổi tiếp xúc với phái đoàn quảng bá về dự án lò điện hạt nhân của các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam. Ông đã nói lên về sự hoang mang và lo sợ của nhân dân điạ phương khi nghe tin Chính quyền Trung ương sẽ đặt nhà máy điện hạt nhân tại khu Sơn Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận. Vì rằng địa bàn Ninh Thuận là khu lòng chảo bao quanh bởi những dãy núi cao, chỉ vùng Sơn Hải là cửa ngõ duy nhất của luồng gió biển thổi vào đất liền. Hơn nữa xứ này nổi tiếng về nắng và gió, nếu không may có sự cố lò điện hạt nhân bị hư hỏng thì hậu quả thật là khôn lường. Hiện nay Ông Trương Xuân Thìn là Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, hy vọng Ông là người lãnh đạo địa phương biết rõ hơn ai hết về sự kiện này.

Qua những dẫn chứng xác đáng nêu trên, Hội Ðồng Phát Triển Văn Hóa và Xã Hội Champa có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ cùng toàn thể thân hào nhân sĩ Champa ở hải ngoại thỉnh cầu Nhà Nước Việt Nam cứu xét lại chương trình xây cất lò điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận bằng cách dời dự án này sang khu vực khác hội đủ điều kiện hơn cho việc bảo trì một công trình rất ích lợi cho sự phát triển năng lượng điện lực quốc gia, đồng thời cũng xóa bỏ nỗi ám ảnh bản án diệt chủng đang treo lơ lửng trong tâm khảm con dân Champa chúng tôi

 

Trân trong kính chào Quí Ngài.

 

Ðồng ký tên:

 

Hội đồng cố vấn:

1. Thành Phú Bá (Chủ Tịch)

2. Yasin Ba (Phó Chủ Tịch)

3. Kiều Ðại Thọ (Phó Chủ Tịch)

4. Tài Ðại An (Tổng Thư Ký)

 

Thành viên hội đồng cố vấn:

1. Dương Tấn Sở

2. Ðạt Lãnh

3. Phú Văn Mái

4. Thiên Sanh Phân

5. Thành Ngọc Có

6. Từ Công Thu

 

Hội đồng điều hành:

1. Andrew Tu (Chủ Tịch)

2. Rohim Abram (Phó Chủ Tịch)

3. Musa Porome (Phó Chủ Tịch)

4. Yava Palei (Thư Ký)

5. Kevin Van Champa (Thủ Quỷ)

 

T.B. Bản sao kính gởi:

UBND tỉnh Ninh Thuận

UBND tỉnh Bình Thuận

Viện Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka số 32, ngày19-11-2008)

 

Bài liên quan :

Vấn đề người Chăm đòi lại đất đai
Ðâu là quyền sở hữu đất đai của dân tộc bản địa?
Thỉnh nguyện thư về đất đai người Chăm
Phan Cao Sơn kết tội dân tộc Chăm muốn đòi đất đai Champa

Từ lò điện nguyên tử hạt nhân đến quặng mỏ Bauxit
Việt Nam không thay đổi chủ trương xây lò điện hạt nhân
Có nên tái lập lại qui chế dân tộc bản địa Champa tại Việt Nam?
Số phận hẩm hiu của dân tộc Chăm hôm nay
Thư cho Thủ Tướng VN về đất đai và lò hạt nhân ở vùng Chăm