Phan Cao Sơn kết tội dân tộc Chăm muốn đòi đất đai Champa Print
Written by BBT Harak Champaka   
Sunday, 18 March 2012 12:00
co fulro
Hiêu kỳ Champa và Fulro

Gần mấy tuần qua, cộng đồng người Chăm tại hải ngoại vô cùng phẫn nộ khi đọc bài viết của ông Phan Cao Sơn đăng trong Web www.tinparis.net vào tháng 2 năm 2009 với chủ đề “Người Chàm đòi đất đai -- Cờ Fulro đã được ngạo nghễ trình làng tại Irvine, nam California ngày 27 tháng 12 năm 2008”. Phẫn nộ là vì ông Phan Cao Sơn là nhân vật không nghiêm túc trong cách hành văn và lý luận, dùng ngòi bút để gây hận thù giữa dân tộc Chăm và Việt, lạm dụng văn chương chính trị để bôi nhọ, phỉ báng, chụp mũ một số tổ chức người Chăm tại hải ngoại.

Cho đến hôm nay, người ta không biết ông Phan Cao Sơn viết bài này với chủ đích gì. Tự xưng là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, người Việt quốc gia, thế thì vai trò của ông ta phải là một chiến sĩ xung phong ra chiến trường đấu tranh chống cộng để đem lại hòa bình và tự do cho đất nước Việt Nam. Thế nhưng Phan Cao Sơn lại bỏ nghề lính của mình và vai trò của người Việt quốc gia tại hải ngoại để nhúng tay vào nội bộ của xã hội người Chăm mà ông ta không phải là thành viên chính thức. Chính vì thế, BBT Harak Champaka của chúng tôi phải đưa bài viết này ra phân tích một cách trung thực để chỉnh đốn lại những quan điểm sai lầm có thể làm tổn thương đến danh dự của dân tộc Chăm, nhất là đánh tan những chiêu bài gây hận thù dân tộc, những mưu đồ nhằm cô lập hóa tập thể người Chăm ra khỏi cộng đồng người Việt quốc gia tại hải ngoại.

Bài viết của Phan Cao Sơn có chủ yếu đập phá 3 đối tượng sau đây :

 

1). Văn Phòng Quốc Tế Champa

Văn Phòng Quốc Tế Champa (International Office of Champa), viết tắt là IOC-Champa không phải là một lực lượng chính trị mà là một tổ chức văn hóa nhằm phát huy chương trình nghiên cứu lịch sử và nền văn minh Champa và chuyển tải di sản văn hóa Champa đến mọi người.

Ra đời vào năm 1998, IOC-Champa lúc nào cũng trung thành với mục tiêu của mình, đó là chung vai sát cánh với hội đoàn người Việt quốc gia nhằm đấu tranh để bảo vệ di sản văn hóa Champa cấu thành di sản văn hóa Việt Nam. Bằng chứng cụ thể, trong các lễ hội văn hóa Champa do IOC-Champa tổ chức, đa số quan khách tham dự là đại diện cho các hội đoàn người Việt tại hải ngoại. Thêm vào đó, IOC-Champa dứt khoát không tham gia vào bất cứ đảng phái chính trị nào và cũng không bao giờ chủ trương đòi quyền Champa độc lập.

Trước năm 2007, chủ tịch IOC-Champa là ông Từ Công Thu (Hassan Poklaun), tốt nghiệp phó đốc sự hành chánh tại Việt Nam. Sau năm 2007, chủ tịch của tổ chức này là ông Musa Porome.

 

2). Tổ chức Champaka

Champaka là thành viên của IOC-Champa, nhưng là một tổ chức tự trị về cách điều hành, ngân sách và nội dung bài viết, tập trung nhiều nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới, có giấy phép hoạt động và có trụ sở đặt tại Cộng Hòa Pháp. Champaka có 3 bộ phận:

- Tập San Champaka là cơ quan nghiên cứu chuyên về lịch sử và nền văn minh Champa do IOC-Champa ấn hành. Tổng biên tập Champaka là Pgs. Ts. Po Dharma.

- Harak Champaka, tức là cơ quan ngôn luận của tổ chức Champaka, một tờ báo điện tử nhằm thông tin và nghi luận những biến cố đã xảy ra trong xã hội Champa hôm nay. Chủ nhiệm Harak Champaka là Musa Porome.

- Web www.champaka.org là trung tâm tư liệu của tổ chức Champaka. Chủ nhiệm Web Champaka là Qasim Tư, tổng biên tập là Abd. Karim.

Cho đến hôm nay, tập san Champaka đã ra mắt được 10 số, tổng cộng hơn 2500 trang; báo điện thư Harak Champaka xuất bản 34 số. Từ ngày ra đời, tập san Champaka, Harak Champaka và Web Champaka chỉ chú tâm đến công trình nghiên cứu về Champa, thông tin và nghị luận liên quan đến những gì đả xảy ra trong xã hội Champa, chưa có lần nào đưa vấn đề chính trị người Việt quốc gia ra bàn cãi hay kêu gọi dân tộc Chăm vùng dậy đòi đất đai.

 

3). Ts. Po Dharma

Ai cũng biết, Po Dharma là người Chăm Phan Rang tốt nghiệp tiến sĩ về ngành lịch sử học tại đại học Sorbonne, Paris. Hôm nay ông ta là Pgs. tại Viện Viễn Ðông Pháp, một nhà nghiên cứu đã từng xuất bản gần 17 tác phẩm khoa học về lịch sử và nền văn minh Champa trong đó có tác phẩm viết về lịch sử Fulro ra đời vào năm 2005 tại Paris, dịch sang tiếng Việt do IOC-Champa xuất bản vào năm 2007.

Po Dharma không bao giờ hoạt động chính trị và cũng không theo đảng phái nào. Ông ta không phải là nhà lãnh đạo IOC-Champa và cũng không phải là lãnh tụ người Chăm. Trong IOC-Champa, ông ta không có chức vụ gì trong ban chấp hành, mà chỉ là một thành viên đắc lực, đặt trách về nghiên cứu khoa học, nhất là điều hành tập san Champaka, chỉ có thế thôi.

*

Trong suốt 20 năm hoạt động, tổ chức IOC-Champa cũng như tập san Champaka không bao giờ đá động đến vấn đề chính trị, nhưng chỉ tập trung mọi nỗ lực vào chương trình chuyển tải di sản văn hóa Champa đến mọi người. Thế thì đâu là nguyên nhân mà Phan Cao Sơn dựa vào để chụp mũ và kết tội IOC-Champa, tập san Champaka, Ts. Po Dharma, Từ Công Thu và Musa Porome là tập đoàn phản động đang huy động quần chúng Chăm vùng dậy đòi đất đai để phục hưng vương quốc Champa độc lập, tìm cách thóa mạ quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, tuyên dương lá cờ Fulro trên nước Mỹ tự do.

 

Phan Cao Sơn kết tội người Chăm đòi đất đai

Ai cũng biết, dân tộc Chăm chuyên sống về nghề nông nghiệp và lâm nghiệp. Họ không biết làm nghề buôn bán và cũng không còn sống về nghề chài lưới và thương thuyền như thời xa xưa nữa. Chính vì thế, đất đai trở thành mạch máu kinh tế của xã hội người Chăm từ ngày vương quốc bị xóa bỏ trên bản đồ từ năm 1832.

Vì ý thức đến môi trường nhân sinh riêng biệt này, vua Thiệu Trị đã ban hành một đạo luật để qui định quyền sở hữu đất đai dành cho dân tộc người Chăm trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận (xem Ðại Nam Nhất Thống Chí, Tỉnh Bình Thuận-Phụ Ðạo Phanrang, Quyển 12, Bộ Văn Hóa Giáo Dục, Saigon, 1965). Và qui chế đất đai này vẫn còn có hiệu lực dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

Sau năm 1975, chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quốc hữu hóa đất đai của dân tộc Chăm, biến họ thành một tập thể vô sản. Vì không còn đất đai để canh tác, dân tộc Chăm hôm nay đang lâm vào cảnh nghèo đói và bần cùng. Trước bối cảnh lịch sử tang thương này, dân tộc Chăm chỉ còn giải pháp là vùng dậy đòi chính quyền cộng sản trao trả lại cho dân tộc Chăm, những lô đất đai thuộc quyền sở hữu của họ, do chính bàn tay và mồ hôi nước mắt của họ khai hoang và được công nhận trên sổ địa bạ dưới thời VNCH thông qua đạo luật “Người Cày Có Ruộng” do tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành. Cuộc xuống đường của dân tộc Chăm vào ngày 23-7-2008 chận xe phái đoàn của thủ tướng Nguyễn Tiến Dũng tại tỉnh Ninh Thuận là nhằm phản đối nhà nước Việt Nam chiếm đoạt đất đai của người Chăm là một minh chứng cụ thể.

Sự vùng dậy của dân tộc Chăm đòi chính quyền cộng sản phải trao trả đất đai thuộc quyền sở hữu của họ là một vấn đề “Dân Oan” mà tổ chức IOC-Champa và tập san Champaka phải có nghĩa vụ lên tiếng nhằm bảo vệ quyền lợi của dân tộc này. Ðó là biến cố liên quan đến người Chăm vùng dậy “đòi đất đai” vào năm 2008 (xem Harak Champaka số 31 và 32, năm 2008). Dựa vào yếu tố người Chăm đòi chính quyền cộng sản trao trả lại quyền sở hữu đất đai của họ, Phan Cao Sơn lại đứng ra kêu gọi người Việt quốc gia tại hải ngoại phải cảnh giác tổ chức IOC-Champa và tập san Champaka đang cổ động người Chăm vùng dậy đòi đất đai để phục hưng vương quốc Champa độc lập. Chính vì thế mà chúng tôi cho rằng Phan Cao Sơn chỉ là một nhân vật vô liêm sỉ, thiếu trình độ phán xét những gì đang diễn ra trên bàn cờ chính trị liên quan đến vấn đề đất đai của người Chăm dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hôm nay.

Nếu Phan Cao Sơn là thành viên nằm trong tổ chức công an của cộng sản, thì đó là vấn đề tự nhiên, vì cộng sản đã biến dân tộc Chăm thành một tập thể vô sản. Nhưng dân tộc Chăm không bao giờ chấp nhận một cựu sĩ quan VNCH bịa ra những luận điệu nhằm chụp mũ người Chăm đang đòi đất đai để phục hưng vương quốc Champa độc lập.

Dân tộc Chăm là một tập thể vong quốc. Ðây là định mệnh của lịch sử mà họ phải chấp nhận. Nhưng không phải vì thế mà Phan Cao Sơn lại xếp họ vào tập thể "vong thân, man ri mọi rợ" để rồi từ đó ông ta tìm cách thống trị dân tộc này theo cảm hứng cá nhân của ông ta.

 

Phan Cao Sơn kết tội dân tộc Chăm thóa mạ quốc kỳ Việt Nam

Chào quốc kỳ VNCH là một chủ đề xa xưa đã gây ra bao khủng hoảng trong cộng đồng người Chăm tại hải ngoại từ 10 năm qua.

Năm 1999, IOC-Champa tổ chức buổi lễ ra mắt tập san Champaka số 1 tại quận Cam, nam California. Lúc ban đầu, Dorohiem và Dohamide (Ðổ Hải Minh), người Chăm gốc Châu Ðốc, tốt nghiệp quốc gia hành chánh, là thành viên trong ban tổ chức của buổi lễ. Tiếc rằng, đến ngày cuối cùng, hai ông ta đưa ra điều kiện là trong buổi lễ này phải chào cờ Việt Nam Cộng Hòa, vì 3 lý do sau đây:

- Hai ông ta là thành viên nằm trong đảng phái chính trị của Gs. Nguyễn Ngọc Huy.

- Little Saigon là khu vực nằm trong không gian lãnh thổ của người Việt quốc gia. Không ai có quyền tổ chức những lễ hội mà lãng quên quốc kỳ VNCH được.

- Mọi tổ chức không chào cờ VNCH sẽ bị tổ chức người Việt quốc gia chống phá.

Ai cũng biết, cộng đồng người Chăm tại Hoa Kỳ có nhiều thành phần. Một số người xuất thân từ Việt Nam, nhưng đa số phần còn lại là người Chăm gốc Campuchia, một tập thể không phải là công dân Việt Nam.

Dân tộc Chăm rất tôn trọng quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, vì nó là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Ngược lại cộng đồng người Chăm cho rằng “lời yêu cầu của Dorohiem và Dohamide bó buộc người Chăm chào cờ quốc kỳ VNCH hay bất cứ quốc kỳ của quốc gia nào đi chăng nữa tại nước Mỹ tự do này, là một hành động sỉ nhục đến danh dự dân tộc của họ”. Cũng vì nguyên nhân đó mà IOC-Champa phải bác bỏ nghi lễ chào cờ VNCH do Dorohiem và Dohamide đề ra.

Lời đề nghị của Dorohiem và Dohamide đã gây ra một cuộc tranh cãi sôi nổi trong ban tổ chức. Ca sĩ Chế Linh lên tiếng chỉ trích Dorohiem và Dohamide rằng, “chỉ có ma Hời mới tìm bắt người Hời”, có nghĩa là vấn đề này hoàn toàn do Dorohiem và Dohamide bày vẽ ra, nhưng ông lại đổ tội cho người Việt quốc gia. Một số người khác thì đặt nghi vấn có chăng Dorohiem và Dohamide muốn người Chăm chào cờ VNCH để lấy công trạng trong đảng phái chính trị của ông ta.

Ðây là biến cố đã gây bao hoang mang trong cộng đồng người Chăm tại hải ngoại. Ðến nổi ban tổ chức cùng với số thành viên yêu cầu phải trả tiền mướn ban an ninh người Mỹ canh chừng. Một số khác, vì quá sợ sệt, thì đề nghị nên xóa bỏ ngày lễ để né tránh việc đụng chạm với người Việt quốc gia. Số còn lại thì than vãn cho số phận hẩm hiu của dân tộc Chăm, một tập thể vong quốc, một khi đã thoát thân ra khỏi sự kìm kẹp của chế độ cộng sản để đi tìm cuộc sống tự do tại nước Hoa Kỳ, nay lại phải gánh thêm sự đe dọa, áp đảo của Dorohiem và Dohamide, nhân danh là người Việt quốc gia, buộc cộng đồng người Chăm phải phục tùng, tuân lệnh.

Ðể giải quyết sự khủng hoảng này, Po Dharma yêu cầu Chế Linh tìm cách mời đại tá Võ Ðại Tôn đến tham gia buổi lễ để để trấn an dư luận trong cộng đồng người Chăm.

Lễ ra mắt tập san Champaka số 1 có rất nhiều quan khách người Việt quốc gia, nhưng không có ai bàn đến vấn đề chào cờ VNCH như hai ông Dorohiem và Dohamide đưa ra. Ngay trong bài diễn văn, đại tá Võ Ðại Tôn cũng tuyên bố rằng tại sao lại buộc dân tộc Chăm chào cờ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. Ðáng lý ra họ phải chào hiệu kỳ Champa của họ thì đúng hơn. Theo ông Võ Ðại Tôn, vấn đề quan trọng không phải là chào cờ VNCH mà dân tộc Chăm và dân tộc Việt phải chung vai sát cánh đấu tranh để đem lại hòa bình và tự cho dân tộc Việt Nam đang bị kìm kẹp dưới chế độ cộng sản hôm nay.

Năm 2004, vấn đề chào cờ VNCH lại tái diễn trên bàn cờ xã hội người Chăm tại Hoa Kỳ, gây ra bao dư luận xôn xao trong cộng đồng người Chăm một lần nữa. Nhân dịp buổi lễ ra mắt tác phẩm của ông ta mang tựa đề: Bangsa Champa. Tìm về với một cội nguồn xa cách, Dorohiem và Dohamide mời rất nhiều người Chăm đến tham dự và giúp thêm màn văn nghệ Champa cổ truyền. Một khi nghe tin Dorohiem và Dohamide đưa ra chương trình chào cờ Việt Nam Cộng Hòa trong buổi lễ, cộng đồng người Cham đứng ra phản đối và xin rút lui.

Vì không tìm ra giải pháp để đối phó với cộng đồng Chăm, Dorohiem và Dohamide chấp nhận phải bỏ phần chào cờ Việt Nam Cộng Hòa trong buổi lễ mà chính tác giả là người đứng ra tổ chức.

Sau biến cố này, IOC-Champa và Ts. Po Dharma trở thành đối tượng thù địch của Dorohiem và Dohamide. Ðó là sự kiện của biến cố đã xảy ra vào năm 1999 và 2004 chung quanh vấn đề chào cờ Việt Nam. Thế thì đâu là yếu tố mà ông Phan Cao Sơn dựa vào để lên án IOC-Champa, tập san Champaka và Ts. Po Dharma là tập đoàn phản động muốn thóa mạ quốc kỳ VNCH ịtạo thành một tội ác, nhất quyết là không thể dung thaỂ

Dorohiem và Dohamide là thành viên nằm trong chính đảng Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng không chào cờ Việt Nam Cộng Hòa nhân ngày lễ ra mắt sách của ông ta. Thế thì Dorohiem và Dohamide cũng là hai nhân vật muốn thóa mạ quốc kỳ VNCH “tạo thành một tội ác, nhất quyết là không thể dung tha” Tại sao ông Phan Cao Sơn không kết tội Dorohiem và Dohamide

Thái độ thóa mạ quốc kỳ VNCH là chủ đề do Dorohiem và Dohamide gây ra vào năm 1999 và 2004. Hôm nay, Phan Cao Sơn lại đưa chủ đề này ra bàn bạc. Chính vì thế một số người Chăm xôn xao bàn tán gán cho ông Dorohiem và Dohamide là chủ nhân của bài viết này. Ðối với chúng tôi, đây chỉ là một giả thuyết mà thôi. Nhưng dù sao đi nữa, chỉ có 3 người duy nhất đưa vấn đề quốc kỳ VNCH ra bàn bạc đó là Phan Cao Sơn, Dorohieme và Dohamide.

 

Phan Cao Sơn lên án Po Dharma

Năm 2006, Ts. Nicolas Weber của đại học INALCO (Paris) là một nhà nghiên cứu biết nói tiếng Việt và biết đọc tiếng Chăm có viết một bài phê bình tác phẩm: Bangsa Champa. Tìm về với một cội nguồn xa cách của Dorohiem và Dohamide. Bài viết của N. Weber đăng trong Harak Champaka số 10 ra ngày 23-1-2006.

Trong bài viết này, Ts. Nicolas Weber phân tích một cách khoa học và trung thực những sai lầm liên quan đến yếu tố văn hóa lịch sử Champa mà Dorohiem và Dohamide đã vấp phải trong tác phẩm. Ðối với chúng tôi, giới thiệu và phê bình sách báo là một công tác cần thiết trong tổ chức khoa học hầu làm sáng tỏ lại vấn đề, chứ không phải chỉ trích cá nhân tác giả. Tiếc rằng, sau ngày ra đời của bài viết này, cộng đồng người Chăm lại nhận bao nhiêu email nặc danh bôi nhọ Ts. Po Dharma, kết tội ông ta là người chủ trương viết bài này.

Cho đến năm 2008, Po Dharma vẫn còn là nạn nhân của Dorohiem. Trong email cá nhân để trả lời cho Tài Ðại An (người Chăm xuất thân từ quốc gia hành chánh), về một tác giả người Việt viết về lịch sử Champa, ông Dorohiem lại lôi tên Ts. Po Dharma ra để châm biếm, mặc dù Po Dharma không liên hệ gì với vấn đề này.

Hôm nay, Phan Cao Sơn lại đưa vấn đề Po Dharma ra bàn bạc. Có chăng Phan Cao Sơn là nhân vật có sự liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với Dorohiem, vì sĩ quan QLVNCH hay người Việt quốc gia tại hải ngoại này không biết Ts. Po Dharma là ai.

 

Phan Cao Sơn tẩy chay ngày ra mắt tác phẩm Fulro

Fulro là một tổ chức vũ trang ra đời vào năm 1964 tập trung đa số là thành viên xuất thân từ lực lượng đặc biệt (Special force) gốc Thượng và Chăm đặt dưới quyền điều hành của quân đội Mỹ, có trụ sở đặt tại thủ đô Nam Vang và có mật khu nằm bên Campuchia.

Sau năm 1964, Fulro trở thành một chủ đề sôi động trên bàn cờ chính trị Ðông Dương kéo theo sự ra đời của 7 tác phẩm viết về Fulro, nhưng chia làm 2 nhóm rõ rệt:

 

1). Nhóm tác giả đã từng sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có trung tướng Vĩnh Lộc (Cái gọi là phong trào đòi tự trị Fulro, Pleiku-Banmêthuôt, 9-1965), Nguyễn Trắc Dĩ (Phong trào đấu tranh Fulro 1958-1969, Bộ Phát Triển Sắc Tộc, Saigon, 1969), Norman C. La Brie (Fulro, The history of political tension in the South Vietnamese Highlands, University of Massachusetts, 1971), Gerald C. Hickey (Free in the Forest. Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands 1945-1976, Yale University Press, 1982).

Theo nội dung của 4 tác phẩm này, lúc ban đầu (1964-1965), chính phủ Sài Gòn xem Fulro như là một nhóm ly khai thân cộng sản. Nhưng sau này, dưới thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chính phủ Sài Gòn không nhìn Fulro như là một đối tượng thù địch cần phải tiêu diệt mà là một tổ chức chống cộng sản, đấu tranh nhằm bảo vệ quyền lợi dân tộc thiểu số ở miền trung Việt Nam, đòi quyền tự trị dưới lá cờ VNCH trong khu vực Tây Nguyên. Chính vì thế, chính phủ Sài Gòn xem Furlo như một đảng phái chính trị hoạt động công khai tại Việt Nam, chấp nhận cho Fulro có văn phòng đại diện thường trực tại Buon Ale-A gần thành phố Ban Mê Thuột và có quyền treo hiệu kỳ Fulro trong khu vực này. Kể từ đó, chính phủ Sài Gòn thường mở những cuộc hội đàm với Fulro một cách công khai để giải quyết những khác biệt giữa đôi bên trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, thường đón tiếp phái đoàn Furlo tại Sài Gòn, chấp nhận nhiều thành viên Fulro tham gia trong chính quyền Việt Nam, như Paul Nur và Nai Luoet, bộ trưởng Bộ Phát Triển Sắc Tộc, thượng nghị viện Ksor Rơt, Tôn Ái Liên, v.v.

Sau năm 1970, Chính phủ Sài Gòn gởi quân sang Campuchia. Kể từ đó, Fulro trở thành một lực lượng đồng minh góp tay cho quân đội VNCH chống cộng sản tại chiến trường ở Camphuchia. Chính vì thế, thiếu tướng Les Kosem, gốc người Chăm ở Campuchia, cũng là lãnh tụ của Fulro, thường tiếp xúc với các nhà lãnh đạo quân đội và đại sứ VNCH tại Nam Vang để bàn về chiến lược chống cộng sản tại vương quốc này. Ðiều đáng chú ý nhất là quân đội VNCH cũng đón nhận nhiều binh lính thuộc sư đoàn 5 đặc biệt của Cộng Hòa Khmer còn gọi là sư đoàn Fulro trong các trại huấn luyện tại Việt Nam để họ trở về Campuchia chống lại đoàn quân cộng sản.

Cũng vì có sự liên hệ với quân đội VHCH, tổ chức Fulro bị Khmer Ðỏ tiêu diệt toàn bộ, không còn ai sống sót khi tiến chiếm Nam Vang vào năm 1975.

 

2). Nhóm thứ 2 tập trung những cán bộ công an cộng sản trong đó có Ngôn Vĩnh (FULRO-tập đoàn tội phạm, Nhà Xuất Bản Công An Nhân Dân, Ha Noi, 1983), Thành Tín (Ðập nát công cụ hậu chiến CIA : FULRO, Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1983) Phan Hữu Dật (Mấy vấn đề lý luận và thực tiển cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay, Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2001)

Nội dung của những bài viết này không ngoài mục đích là lên án dân tộc Chăm và Thượng muốn khơi phục lại phong trào Fulro có bàn tay lông lá từ bên ngoài để chống phá đảng và nhà nước Việt Nam, tìm cách tái lập lại một quốc gia độc lập tại Tây Nguyên. Trong bài viết, Ngôn Vĩnh, Thành Tín và Phan Hữu Dật không ngần ngại kết tội dân tộc Chăm và Thượng là tập đoàn tội phạm, là một công cụ hậu chiến của CIA nhằm phá hoại an ninh trật tự tại Cộng Hòa Xã Hội Chũ Nghĩa Việt Nam.

Ts. Po Dharma là người cuối cùng viết lại lịch sử Fulro mang tựa đề Từ mặt trận giải phóng dân tộc Thượng đến phong trào Fulro (Champaka số 7 do IOC-Champa ấn hành, 2007). Ðây là một tác phẩm khoa học dựa trên những tư liệu mới, nhất là tư liệu Fulro, để hoàn chỉnh lại một bối cảnh lịch sử cận đại đã xảy ra dưới thời đệ nhị Cộng Hòa Việt Nam.

Tháng 4 năm 2008, IOC-Champa tổ chức buổi lễ ra mắt tác phẩm Fulro do Ts. Po Dharma thực hiện tại Westminster, California. Ðối với IOC-Champa, Fulro là một tổ chức không còn nữa sau năm 1975 nhưng đã trở thành một di sản lịch sử cấu thành yếu tố lịch sử cận đại của Việt Nam. Chính vì thế, IOC-Champa đã cố gắng xuất bản tác phẩm này để dân tộc Chăm và dân tộc Việt hiểu rõ thêm những sự thật của biến cố đã xảy ra dưới thời đệ nhị Cộng Hòa.

Nhân dịp lễ ra mắt sách, Dorohiem và Dohamide không đến tham dự, dù hai ông ta là thành viên trong xã hội người Chăm. Thêm vào đó, theo nguồn tin mà chúng tôi nhận được, một số người Chăm còn kêu gọi giới trí thức người Việt quốc gia phải nên xa lánh buổi lễ này vì nhóm IOC-Champa và tập san Champa đang làm chính trị đòi giải phóng đất đai Champa. Ðiều này chứng tỏ rằng, Dorohiem và Dohamide, vào năm 2008, vẫn còn xem tổ chức IOC-Champa và tập san Champaka là một đối tượng thù địch.

Sự vắng mặt của Dorohiem và Dohamide cũng có thể phát xuất từ một nguyên nhân sâu xa hơn, vì trong lịch trình biến cố của Fulro, ban chấp hành trung ương của Fulro có phiên họp vào ngày 20 tháng 11 năm 1965 tại thủ đô Nam Vang để phản đối nội dung không trung thực của tác phẩm Dân Tộc Chăm Lược Sử do Dorohiem và Dohamide ấn hành tại Sài Gòn vào năm 1965 (Xem Champaka số 7, 2007, trang 93).

Trong ngày ra mắt sách, IOC-Champa có mời Trung Tá Nguyễn Văn Nghiêm thuyết trình một đề tài về “Chính sách đối với đồng bào thiểu số của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975 (xem Champaka số 9, 2008, trang 121-134)” và Luật Sư Ðoàn Thanh Liêm nói về “Thế nào là lẽ công bằng trong một xã hội đa chủng tộc” (xem Harak Champaka 26 ra mắt ngày 25-5-2008). Bài thuyết trình của Trung Tá Nguyễn Văn Nghiêm và Luật Sư Ðoàn Thanh Liêm rất là nghiêm túc, phân tích rất là trung thực, đã đem lại cho dân tộc Chăm một khái niệm rõ rệt thế nào là chính sách của đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa nhằm năng đỡ dân tộc thiểu số ở miền trung Việt Nam. Thế thì đâu là nguyên nhân mà Phan Cao Sơn dựa vào đó để phản đối và chụp mũ Trung Tá Nguyễn Văn Nghiêm và Luật Sư Ðoàn Thanh Liêm. Chỉ cần đọc vài câu mà chúng tôi trích dẫn ở đây, độc giả có thể hình dung được thế nào là lối lý luận thiển cận của ông Phan Cao Sơn:

"Trên cương vị của một người lính quốc gia tỵ nạn cộng sản trên đất Mỹ, chúng tôi nhận thấy không có cái gì có thể gọi là đốn mạt và vô lương tâm cho bằng việc hai ông, cựu luật sư Ðoàn Thanh Liêm và cựu Trung tá Nguyễn văn Nghiêm đã lên sân khấu phát biểu tại buổi ra mắt sách của tập đoàn Po Dharma (...)".

Ðọc qua đoạn này, độc giả có cảm giác rằng ông Phan Cao Sơn không biết gì về lịch sử Fulro, nhưng lợi dụng vào danh nghĩa sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa để bôi bác người Việt quốc gia không cùng quan điểm với ông ta mà thôi.

 

Phan Cao Sơn phản đối triển lãm hiệu kỳ Fulro

Ngày 27 tháng 12 năm 2008 đánh dấu ngày kỷ niệm 20 năm IOC-Champa tại khu vực Irvine, nam California. Trong buổi lễ có gần 250 người tham dự tập trung nhiều đại diện của hội đoàn người Việt quốc gia, chính đảng Việt Nam và đài phát thanh và truyền hình Việt Nam tại hải ngoại. Trong buổi lễ này, không có tiết mục chào cờ Fulro và cũng không chưng bày hiệu kỳ Fulro trên sân khấu hay trong hội trường của buổi lễ.

Buổi lễ kỷ niệm 20 năm IOC-Champa là ngày mang tính chất văn hóa, có phần triển lãm về di sản lịch sử Champa trong đó ban tổ chức trưng bày hiệu kỳ Fulro trong khu vực lịch sử Champa cận đại bên cạnh những hình ảnh đền tháp thuộc về lịch sử cổ đại và trung đại.

Ai cũng biết, kể từ năm 1968, chính phủ Việt Nam công nhận Fulro là một tổ chức chính trị hoạt động công khai, có văn phòng thường trực tại Việt Nam. Và kể từ năm 1970, Fulro trở thành một lực lượng đồng minh tiếp tay cho quân đội VNCH trên chiến trường chống cộng sản ở Campuchia.

Không có lời cám ơn chiến sĩ Fulro, Phan Cao Sơn lại trở tay kết tội dân tộc Chăm đang phất cờ Fulro trên nước Mỹ nhằm đòi đất đai và kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải trừng phạt dân tộc thiểu số người Chăm hiện đang sinh sống tại hải ngoại, với lối hành văn vô cùng táo tợn:

"Nguyên là một sĩ quan cấp úy Quân lực Việt nam Cộng hòa, trực tiếp ở tuyến đầu, từng chứng kiến một số chiến sĩ dưới quyền ngã gục vì đạn mìn FULRO trên đất Cao nguyên, chúng tôi khẳng định quan điểm của chúng tôi là không bao giờ chấp nhận để lá cờ FULRO tự do tung bay tại đây giữa cộng đồng người Việt quốc gia tỵ nạn được (...)Xin quý bậc đàn anh cựu Thủ Tướng Chính Phủ, quý vị Dân biểu, Nghị sĩ, thưởng lãm bức ảnh hình cờ FULRO/Chàm do tập đoàn Champaka/Po Dharma/Từ công Thu ngạo nghễ trưng bày tại Irvine vừa qua, sẽ cảm thông nổi uất hận nghẹn ngào của các tầng lớp đàn em lính chiến VNCH đã từng trực tiếp xông pha và phơi thây trên trận mạc trên đất Cao nguyên trước 1975"

Lịch sử là sự thật của những biến cố đã xảy ra. Hôm nay, tổ chức Fulro không còn nữa, nhưng đã trở thành di sản lịch sử Champa cận đại mà dân tộc Chăm và Việt cần biết đến. Chính vì thế, Phan Cao Sơn không có quyền thay đổi nội dung của lịch sử theo quan điểm riêng tư của mình để kết tội cho dân tộc Chăm một cách vô tội vạ.

 

Thay lời kết luận

Phan Cao Sơn là ai Người Việt quốc gia, người Việt thân cộng hay người Chăm không lương thiện nằm trong nhóm đối lập với IOC-Champa

Sau khi phân tích nội dung bài viết của Phan Cao Sơn, từ phong cách hành văn, phương pháp lý luận, cách dùng ngôn từ cho đến chi tiết nhỏ nhoi đã xảy ra trong xã hội người Chăm mà ông ta đã đề ra, chúng tôi cho rằng Phan Cao Sơn không phải là cựu sĩ quan VNCH và cũng không phải là người Việt quốc gia, mà là người Chăm nằm trong nhóm đối lập đang tìm cách cô lập hóa tổ chức IOC-Champa và nhóm Champaka ra khỏi cộng đồng người Việt quốc gia tại hải ngoại. Vì rằng cựu sĩ quan VNCH và là người Việt quốc gia, không có ai bỏ ra bao nhiêu thì giờ để theo dõi và rình rập từng chi tiết liên quan đến xã hội người Chăm mà chính ông ta không phải là thành viên của xã hội này.

Nếu cho rằng Phan Cao Sơn không phải là người Chăm đối lập với nhóm IOC-Champa, thì ông ta phải là một nhân vật phản gián nằm trong tổ chức công an của cộng sản. Vì rằng những chủ đề mà Phan Cao Sơn đưa ra (người Chăm đòi đất đai, thóa mạ quốc kỳ VNCH, tôn vinh hiệu kỳ Fulro) nhằm cô lập tập thể người Chăm trong cộng đồng người Việt quốc gia tại hải ngoại cũng là một chủ đề mà cơ quan phản gián của cộng sản đang xử dụng gần 20 năm qua để khai trừ IOC-Champa mà chính quyền Hà Nội xem đó như là một tổ chức thù địch đang núp dưới bóng hình văn hóa để đấu tranh chính trị.

Lợi dụng danh nghĩa là cựu sĩ quan để kêu gọi các tổ chức binh chủng Việt Nam Cộng Hòa, các chính đảng Việt Nam và các tổ chức người Việt quốc gia nhằm tẩy chay cộng đồng thiểu số người Chăm định cư ở Hoa Kỳ đã chứng tỏ rằng Phan Cao Sơn đánh giá quá thấp sự hiểu biết và cách nhận xét của các tổ chức người Việt quốc gia tại hải ngoại thì đúng hơn. Vì theo chúng tôi biết, những nhà lãnh đạo binh chủng VNCH, các chính đảng Việt Nam và người Việt quốc gia tại hải ngoại là những người nghiêm túc và chân chính, có một tầm nhìn rất là trung thực và sâu rộng về tình hình người Chăm hôm nay, lúc nào cũng tìm cách đùm bọc dân tộc này vì họ là sắc tộc thiểu số, nhưng là công dân Việt Nam đã nỗ lực góp phần vào cuộc hành trình đấu tranh cho tự do và hòa bình Việt Nam bên cạnh người Việt quốc gia tại hải ngoại gần 20 năm qua.

Chỉ cần đọc qua bài viết “Một sự cảm thông với đồng bào Champa” của ông Nguyễn Công Bằng, tổng thư ký của Ðảng Vì Dân đăng trong www.dangvidan.org ngày 1-1-2009, độc giả đánh giá ngay người Việt quốc gia chân chính có quan điểm về đồng bào người Chăm tại hải ngoại hoàn toàn khác biệt với nội dung bài viết của ông Phan Cao Sơn:

"Người Chăm đã nhiều lần minh định là tập thể này hoàn toàn không có ý định đòi lại lãnh thổ đã bị mất đi bởi các hoàn cảnh lịch sử, và cũng không có ý định đòi quyền tự trị như một vài dư luận đã có. Có thể nói, tấm bản đồ Champa ghi các phần đất từ tỉnh Quảng Bình xuống đến Biên hòa chỉ có giá trị như là một dữ kiện lịch sử (...).Dân tộc nào cũng có những giai đoạn thăng trầm. Nhưng với chiều hướng liên lập để sinh tồn của thế giới ngày nay, chúng ta cần nhìn những sai lầm, đau thương trong quá khứ như là bài học hơn là các yếu tố để nuôi dưỡng hận thù, mâu thuẫn. Hơn thế nữa, chúng ta còn phải tích cực tạo dựng sự hòa đồng và đoàn kết giữa các sắc tộc trong cộng đồng dân tộc Việt".

 

(Nguồn tư liệu : Harak Champaka số 35, ngày 4-3-2009)

 

Bài liên quan :

Vấn đề người Chăm đòi lại đất đai
Ðâu là quyền sở hữu đất đai của dân tộc bản địa?
Thỉnh nguyện thư về đất đai người Chăm

Từ lò điện nguyên tử hạt nhân đến quặng mỏ Bauxit
Việt Nam không thay đổi chủ trương xây lò điện hạt nhân
Có nên tái lập lại qui chế dân tộc bản địa Champa tại Việt Nam?
Số phận hẩm hiu của dân tộc Chăm hôm nay
Thư kháng nghị về nhà máy hạt nhân tại vùng Chăm
Thư cho Thủ Tướng VN về đất đai và lò hạt nhân ở vùng Chăm