Andy Kieu phản đối quan điểm Kate của Chế Mỹ Lan Print
Written by Andy Kieu   
Wednesday, 21 March 2012 03:51
andy 1
Andy Kieu

Cô Chế Mỹ Lan. Trong email viết ngày 3-5-2010 gởi cho Ts. Po Dharma, cô có đưa vấn đề của tôi ra bàn luận. Tôi mạn phép viết cho cô vài hàng để chỉnh đốn lại một số điểm tiêu cực trong bài viết của cô.

 

1). Trong bài viết đăng trong Harak Champaka 41, tôi có đặt câu hỏi, theo truyền thống người Chăm Bani và Islam không làm Kate. Vậy thì tại sao họ bị kết tội là người quên ơn bậc tiền nhân Champa.

Câu trả lời của cô chẳng khác gì là câu trả lời của bậc thầy dậy bảo bậc học trò thì đúng hơn. Xin lỗi cô ở đây, cuộc đối thoại giữa cô và tôi trước bà con Chăm không thể là cuộc đối thoại giữa thầy trò như cô đã quen làm trong những email trước.

Nói đến lịch sử Champa thì tôi và cô chỉ là người đọc lóm như nhau. Chính vì thế. Tôi yêu cầu cô nên chấm dứt hành động này.

Cô là người bịa đặt ra ý nghĩa Kate thành ngày kỷ niệm anh hùng liệt sĩ Champa, để mời tất cả bậc tiền nhân xuống trần gian để tham dự buổi lễ, nhưng trên thực tế Kate chỉ là lễ tục Chăm Ahier. Chính vì thế cô đã “xúc phạm đến cả một lịch sử dân tộc Chăm”, về tội lường gạt bậc tiền nhân, làm mất thì giờ của các ngài.

 

2). Cũng trong email này, cô viết: “Ai dám nói là Bani bấy lâu nay không làm lễ Katê? (...)Tại Tháp Po Rome, Katê năm 2008, tôi có cả khối hình ảnh một dòng họ lớn tại Phước Nhơn làm lễ trên đó”. Ðọc đến đây, tôi kết luận rằng cuộc trao đổi với cô không đưa về đâu cả, vì cô có tư duy không bình thường, để nhận diện mọi vấn đề.

Cô là trí thức ít ra cô phải biết tối thiểu thế nào là phong tục Chăm. Vì muốn định nghĩa Kate là lễ chung của dân tộc Chăm, phải dựa vào yếu tố bà con Chăm Bani có làm lễ Kate trong gia đình và thôn xóm như Chăm Ahier hay không, chứ không phải dựa vào sự hiện diện của vài ba người Chăm Bani trên đền tháp nhân ngày Kate. Nếu cô có bằng chứng là có bà con Chăm Bani làm Kate trong gia đình họ, thì cô cho tôi biết họ là ai, ở làng nào để tôi viết bài đính chính lại quan điểm của tôi. Tại sao vấn đề Kate quá đơn giản như thế mà cô không hiểu để rồi cô cãi bướng với thiên hạ. Chính đó tôi cho cô có tư duy không bình thường.

 

3). Cũng trong Harak Champaka 41, tôi nêu ra vấn đề: “Lẽ nào dân tộc Ðại Việt cũng tổ chức lễ Hùng Vương hằng trăm nghi thức khác nhau hay sao?”. Ðây là câu trả lời của cô: “Anh Andy Kiều so sánh Chăm và Việt ở đây là trật rồi. Chăm mất nước còn Việt thì không”, tiếp theo đó cô dẫn chứng lung tung beng về ngày tháng khác nhau trong lịch Chăm không liên hệ gì với câu hỏi của tôi.

Cho đến hôm nay, tôi không biết cô có “cái tật” nói quanh co vì không hiểu nội dung câu hỏi của người khác hay là cô có “cái tật” nói quá lố vấp phải sai lầm để rồi cô tìm đường chạy quanh co nhằm bào chữa cho những sai lầm của cô. Tại sao tôi phải nói cô có “cái tật” lạ lùng này?

Trong bài viết, tôi hỏi cô tại sao lễ tục Kate, một khi đến Hoa Kỳ, lại có hai nghi lễ khác nhau (ở đây nghi lễ là trọng tâm của câu hỏi): Hội Truyền Thống thì tổ chức Kate có cúng quẩy ông bà như bên nhà và Hội Bảo Tồn thì làm một phút mặc niệm cho anh hùng liệt sĩ, có dâng vòng hoa trước đài chiến sĩ Champa. Có phải cô không trả lời nổi cho câu hỏi của tôi, vì Hội Bảo Tồn của cô đã chế biến ra một nghi thức mới cho lễ tục này, vi lẽ đó cô cho rằng quan điểm của tôi là sai lầm, để rồi từ đó cô lý luận quanh co: “so sánh Chăm và Việt ở đây là trật rồi. Chăm mất nước còn Việt thì không” không liên hệ gì với câu hỏi của tôi.

Trước đây không lâu, một trí thức người Việt tên là Nguyễn Hữu Thống, nhận định rằng “chưa hẳn đã có một vương quốc Champa hoàn chỉnh ở miền trung”. Sự việc này giải quyết chưa xong, thì ngày nay, một phụ nữ người Chăm lại tuyên bố thêm “Katê không phải là một lễ tục của cộng động Chăm Ahier”.

Nhân danh là dân tộc thắng trận, Nguyễn Hữu Thống phải tìm cách thay đổi yếu tố lịch sử Champa để dân tộc Champa thua trận không còn biết đâu là nguồn gốc của họ nữa. Ðây cũng là mưu đồ nhằm đồng hóa dân tộc Chăm để họ phải ly khai với mọi yếu tố tinh thần có liên hệ với vương quốc Champa.

CML là dân tộc Chăm thua trận, thế thì tại sao cô lại nối gót dân tộc thắng trận để tàn phá tín ngưỡng Kate truyền thống của cô, thay vì đứng ra đấu tranh với bất cứ giá nào để bảo vệ giá trị di sản tinh thần này. Chính đó mới là sự nghịch lý trong ý thức hệ dân tộc mà cô thường quảng cáo cho bà con Chăm nghe.

Cô là thành viên của Hội Bảo Tồn. Thay vì làm gương cho cuộc vận động bảo tồn bản sắc riêng biệt của dân tộc Chăm, cô lại bỏ nghề bảo tồn di sản văn hóa để làm nghề chế biến di sản văn hóa. Thế thì làm sao mà tôi hiểu nổi cô muốn gì?

Cô cho rằng dân tộc Chăm phải nên hãnh diện, vì rằng “Thống đốc tiểu bang California ký ngay khi Ngài thấy được tinh thần tri ân nhớ về nguồn cội dân tộc Chăm”. Theo tôi, có gì mà người Chăm phải hãnh diện ở đây, là vì Thống Ðốc của một tiểu bang Hoa Kỳ phải có nghĩa vụ ký giấy thành lập các hội đoàn văn hóa xã hội, dù hội đoàn này có mục tiêu “tri ân nhớ về nguồn cội dân tộc Chăm” đi nữa. Thế thì chữ ký của Thống Ðốc Mỹ có liên hệ với ý nghĩa Kate của dân tộc Chăm mà cô đưa ra để làm minh chứng.

Giả sử rằng, Thống Ðốc Mỹ có ký giấy thật sự công nhân Kate của cô là đúng ý nghĩa đi nữa, thì đây vẫn là hành động bán nhượng lòng tin của dân tộc Chăm.

Tôn giáo là lòng tin thiêng liêng của cô và do cô tự tìm đến, không ai bắt buộc. Nhân danh quyền tự do tín ngưỡng, cô có quyền từ bỏ lễ tục Kate của mình ví lý do gì đó, nhưng cô không có quyền dựa vào chữ ký của người nước ngoài để định nghĩa tôn giáo của dân tộc Chăm.

Bao đời nay, tổ tiên đã để lại cho chúng ta biết bao nhiêu di sản tinh thần quí báu, trong đó có Kate, Ramawan và di sản vật chất, như đền tháp, nghệ thuật điêu khắc, v.v. Kate và Ramawan là 2 lễ tục lớn nhất của dân tộc Chăm được xem như là di sản tín ngưỡng thiêng liêng của dân tộc Chăm. Thế nhưng ngày nay, cô Chế Mỹ Lan lại biến lễ tục Kate trở thành một chủ đề tranh chấp và mạ nhục lẫn nhau, thật là buồn nhỉ!

 

*

Thú thật với cô, tôi lấy làm hổ thẹn với lương tâm khi đọc bài viết của cô gần 6 trang về Po Dharma, hổ thẹn là vì cô là phụ nữ Chăm nằm trong thế hệ thanh niên như tôi, nhưng có hành động và phong cách hồ đồ, không lương thiện trong cuộc trao đổi xã hội. Ðây là lý do của tôi:

Nhân danh thế hệ thanh niên, chúng ta có quyền đưa Ts. Po Dharma ra ánh sáng nếu cần, nhưng đưa ra ánh sáng để phân tích nghiêm túc những sai lầm của ông ta dựa vào dữ kiện rõ ràng và thuyết phục. Tiếc rằng bài viết dài 6 trang của cô về Po Dharma chỉ là bài nhằm mạ nhục và phỉ báng ông ta vì không đồng ý với cô về ý nghĩa Kate. Ðây là hành động thô thiển và bất lương của cô, hoàn toàn đi ngược lại chủ trương của giới thanh niên tiến bộ tại hải ngoại hôm nay.

Chỉ cần nêu ra đây vài thí dụ để chứng minh thế nào là thái độ “hồ đồ” và “thiếu học” của cô đối với Po Dharma.

 

a). Thái độ trịch thượng

Theo cô, Ts. Po Dharma chỉ có tư duy như đứa con nít, vì ông ta làm nghề nghiên cứu chỉ biết “2 lần 2 là 4 như một con vẹt” mà thôi. Chính vì thế cô khuyên Ts. Po Dharma phải “cần trao dồi thêm”, để có “tầm tư duy và óc sáng tạo”. Cô còn gán cho Ts. Po Dharma là người chưa có trình độ của một học sinh trung học, vì cô lý luận rằng: “Bài cháu viết, một học sinh Trung học còn hiểu sao một người học vị cao như chú lại không”.

Ðọc đến đây, tôi vừa rùng mình vừa hổ thẹn cho thế hệ trẻ của cô và của tôi, chưa làm gì được cho dân tộc nhưng lại chê bai Ts. Po Dharma một cách “hồ đồ” có thể gây ra sự hiểu lầm tất cả những giới trí thức trẻ hôm nay đều đối xử trong xã hội một cách “hồ đồ” như cô.

Ts. Po Dharma là nhà nghiên cứu. Ông đâu có phải là con thú vật mà phải theo cô một cách mù quáng.

Theo Ts. Po Dharma, dân tộc Chăm hôm nay phải có nghĩa vụ bảo tồn di sản Kate vì dây là di sản tinh thần của dân tộc, chứ đừng chế biến Kate theo quan điểm riêng tư của từng cá nhân. Nhưng theo cô, cô muốn biến chế biến Kate để phù hợp với thời trang hôm nay, thì đó cũng là quyền của cô. Tại sao cô lại chê bai Ts. Po Dharma là “con nít”, chỉ biết tuân theo truyền thống Kate như con “vẹt”, là nhà nghiên cứu có trình độ chưa bằng học sinh trung học, vì không hiểu bài cô viết về Kate.

 

b). Thái độ hăm dọa vu vơ

Cô cứ lây quây với văn chương “hồ đồ” nhằm kết tội Po Dharma là người phá rối xã hội nhưng không đưa ra một minh chứng nào dù là nhỏ nhoi đi nữa để biện minh cho lời nói của mình, để rồi từ đó, cô yêu cầu Po Dharma phải chịu hối cải những sai lầm của ông ta: “không thức tỉnh nhận ra những việc làm sai trái của mình, không chịu hối cải thì chú [Po Dharma] sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng. Ðây không phải là lời hăm dọa (...)mà là cảnh tỉnh chú về sự thực không thể tránh”.

Trong lời tuyên bố này, cô nên bỏ tánh ăn nói “hồ đồ” và “thống trị” người khác. Nói thật với cô, chỉ có người Chăm cực đoan và không lương thiện như cô mới tìm cách khai trừ Po Dharma ra khỏi cộng đồng. Dân tộc Chăm hôm nay không còn ngu xuẩn như xưa nữa để theo cô làm những chuyện bất lương này.

 

c). Thái độ dạy đời

Cô là phụ nữ nằm trong thế hệ trẻ như tôi, chưa làm gì cho dân tộc này, vì vậy cô không nên có thài độ “dạy đời” trong cuộc đối thoại với người khác. Tại sao cô phải dạy cho Ts. Po Dharma một bài học vô bổ: “Hãy là nhà khoa học chân chính đúng nghĩa. Hãy từ bỏ cái nghề làm ký sinh trùng trên thành quả sáng tạo của người khác. Vậy thì cô hãy mạnh dạn thay đổi ngay lối nghĩ và lối làm của mình (...). Hãy biết tránh xa những kẻ ăn theo và múa theo”.

Những gì tôi vừa nêu ra trong bài phản hồi này không mang tính chất hận thù và chia rẽ nhau mà là quan điểm của tôi về bài viết của Chế Mỹ Lan để bà con Chăm biết thêm cô ta là ai, cô ta muốn gì và thế nào là phong cách và thái độ của Chế Mỹ Lan trong cuộc trao đổi hôm nay.

 

Chào thân ái,

 

8-5-2010

Andy Kiều

 

(Nguồn tư liệu : Anakhan Champa 10-5-2010)

 

 

Bài mới :

Trả lời cho Đắc Văn Kiết: Katê phát xuất từ thời Sa Huỳnh hay Po Rome?

 

Bài liên quan :

Kate: Lễ tục của người Chăm Ahier hôm nay
Góp phần tìm hiểu về lễ hội Katê
Vấn đề Kate trở lại trên bàn cờ của xã hội Chăm
Quan điểm của Vinh Thanh về lễ Kate truyền thống
Chung quanh vấn đề lễ hội Kate của người Chăm hôm nay
Trả lời cho bài viết của Quảng Đại Cẩn về Kate
Chung quanh vấn đề ngày quốc lễ Champa
Trả lời email của Chế Mỹ Lan về lễ Kate
Regina trả lời cho Chế Mỹ Lan về Kate
Vài lời góp ý với Chế Mỹ Lan về lễ tục Kate
Chế Mỹ Lan chế biến ý nghĩa mới cho lễ tục Kate
Trao đổi với Ja Intan về Kate